Những thay đổi nào cho Việt Nam từ “cộng đồng mới”?

Theo nguồn tin từ báo asiatimes vào tháng 12 năm 2023 thì đảng Việt Tân, một đảng phái chính trị mà chính quyền Cộng Sản gọi là “tổ chức khủng bố”, đã tổ chức một cuộc biểu tình trước toà đại sứ Việt Nam tại Luân Đôn với sự tham gia của hơn 200 người Việt di dân trẻ tuổi. Họ phản đối nhà nước CSVN, đòi hỏi tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm và cải thiện tình trạng dân chủ, tự do trong Việt Nam. Tại cuộc biểu tình, người ta thấy có sự xuất hiện nhiều lá cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa, một biểu tượng mà chính quyền CSVN coi là ủng hộ cho sự “phản loạn”.

Ở Việt Nam, người dân không có quyền phản kháng luật lệ do nhà nước đặt ra. TV, báo chí, Internet và nhất là sự tiếp cận tới các nguồn thông tin từ nước ngoài đều bị kiểm soát chặt chẽ. Những người lên tiếng phản đối lại chính sách của nhà nước đều bị trừng phạt nặng nề khiến cho mọi người đều sợ hãi và tránh né đụng chạm tới các vấn đề chính trị trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, khi được ra nước ngoài sinh sống, thì ý thức của người Việt Nam dần dần thay đổi. Họ được tiếp cận những thông tin độc lập, hai chiều, những cuộc tranh luận tự do về các vấn đề xã hội. Họ bắt đầu thấm nhuần những tư tưởng mới, thúc đẩy họ mạnh dạn hơn lên tiếng nói lên suy nghĩ của mình về các vấn đề nhạy cảm tại Việt Nam như quyền con người, sự đàn áp tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và nguyên nhân của nạn tham nhũng đang tràn lan tại Việt Nam.

Khác với những cuộc biểu tình nhiều năm trước đây xuất phát từ các “thuyền nhân”, những người tham gia cuộc biểu tình lần này đến từ thành phần trẻ lớn lên tại Việt Nam sau 1975 và họ chỉ vừa mới rời Việt Nam được vài năm. Giới truyền thông Việt Nam tại hải ngoại thường gọi những người Việt trẻ tuổi này là “Cộng Đồng Mới”.

Thành phần “Cộng Đồng Mới” bắt đầu xuất hiện từ thập niên 1990, khi chính quyền Cộng Sản khuyến khích lớp trẻ trong nước đi ra nước ngoài theo chương trình “xuất khẩu lao động”. Chương trình này giúp cho chính quyền Việt Nam giải quyết 2 vấn đề nghiêm trọng mà họ gặp nhiều bế tắc: giải quyết nạn thất nghiệp kinh niên và trao đổi đồng bạc Việt Nam, vốn chẳng có giá trị gì trên thị trường tài chính quốc tế, với các nguồn ngoại tệ quý giá như đồng Euro hay đồng đô la. Trung bình hàng năm, qua chương trình xuất khẩu lao động, 10 tỷ đô la Mỹ đã được đổi qua tiền Hồ.

Từ 1975, “thuyền nhân” luôn là đầu tàu của các họat động tranh đấu chống lại chính quyền Cộng Sản. Họ không có ý định quay về sinh sống tại Việt Nam, nên thật dễ dàng cho họ mạnh dạn đứng lên chỉ trích chế độ Cộng Sản. Tuy nhiên, thành phần “Cộng Đồng Mới” vẫn còn thân nhân, bạn bè tại Việt Nam, và họ vẫn còn mang ý tưởng quay về Việt Nam sinh sống trong tương lai. Một trong những người tham gia biểu tình nói với phóng viên là anh ta lo sợ nhân viên an ninh sẽ đón anh tại phi trường khi anh về Việt Nam. Thế nhưng, khi số người từ “Cộng Đồng Mới” ngày càng gia tăng tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ Việt Nam, thì chúng ta thấy rõ ràng mọi người đã đồng ý là Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm về tình trạng nhân văn, xã hội, kinh tế tồi tệ tại Việt Nam hiện nay. Những người trong “Cộng Đồng Mới” đang tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc tươi đẹp hơn, qua một thời gian sống tại nước ngoài thì cái nhìn của họ về Việt Nam đã thay đổi nhiều.

Viết theo bài tường thuật của SEB RUMBSBY – Asia Times
https://asiatimes.com/2024/05/youthful-vietnamese-migrants-protest-vs-ru...