Phóng sự sinh hoạt tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng Tư 2016 của người Việt tị nạn tại CHLB Đức

Frankfurt: Tưởng Niệm 30.4 - Biểu tình phản đối Formosa trước Lãnh sự quán CSVN

Sau cả tháng trời mưa gió rét mướt như trong mùa Đông, trưa 30.4 tại Frankfurt am Main trời bỗng dưng bừng nắng ấm.

13 giờ trưa hôm đó cũng là giờ hơn 200 đồng bào Việt Nam đến trước Tòa lãnh sự CSVN để biểu tình nhân dịp kỷ niệm 41 năm CSVN thống trị cả nước dưới bàn tay sắt của chế độ toàn tri.
 

Buổi biểu tình do Liên Hội Người Việt Tị Nạn CS tại CHLB Đức (Liên Bang) kết hợp với Hội NVTNCS tại Frankfurt(địa phương) tổ chức năm nay diễn ra trong bối cảnh thảm họa môi trường do tập đoàn Formosa gây ra khởi đi từ Hà Tĩnh. Formosa đã thải chất kịch độc gồm ít nhất 4 loại acid và kim loại nặng thẳng xuống lòng biển đã tiêu diệt mọi mầm sống dưới biển.

Nghi thức chào cờ Việt, Đức và mặc niệm bắt đầu lúc 13 giờ.

Ông Võ Hùng Sơn, Hội trưởng Hội NVTN tại Frankfurt đã đọc diễn văn khai mạc. Ông sơ lược biến cố ngày 30.4.1975, tội ác của ĐCSVN từ ngày nắm toàn bộ quyền lực trên cả nước và những hệ lụy của nó.

Bằng khả năng diễn đạt tiếng Đức hùng hồn và lưu loát, ông Hội phó Liên Hội Trịnh Đỗ Tôn Vinh đã cám ơn chính phủ và dân Đức đã cưu mang và tạo điều kiện cho người Việt sống an bình và có cơ hội học hỏi, thăng tiến trong xã hội Đức. Ông không quên đề cao sự quan tâm của Chính phủ và Nhà thờ Đức đối với tình trạng chà đạp nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Vài chính trị gia tầm cỡ và Hồng Y Marx đã viếng thăm Việt Nam trong thời gian qua là bằng chứng cụ thể.

Bà Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch Liên Hội không quên lên án chế độ CSVN hà khắc đã gây ra bao nhiêu tội ác đối với dân. Trong đó tội nặng nhất là cấu kết với Bắc Kinh để vơ vét mọi tài nguyên quốc gia vào túi riêng và thẳng tay đàn áp những tiếng nói đối lập với đảng CS.
Bà nhấn mạnh thảm họa môi trường ở 4 tỉnh Miền Trung do Trung Cộng gây ra trong sự thờ ơ, trốn trách trách nhiệm của nhà cầm quyền CSVN và người dân bắt đầu biểu tình phản kháng tại Quảng Bình.

Tiếp theo là các bài diễn văn ngắn của đại diện các hội đoàn, đảng phái ở Đức như Hội NVTN CS tại Köln, Hamburg, Đảng Tự Do, VN Quốc Dân Đảng…Nội dung hầu hết lên án sự cai trị tàn ác của ĐCSVN cũng như sự thần phục của họ đối với Bắc Kinh hầu giữ chiếc ghế quyền lực bằng mọi giá, kể cả giá bán nước cho quân xâm lược phương Bắc.Xe kẽ giữa các bài diễn văn, phát biểu là những tiếng hô vang động khoảng không gian trước Tòa lãnh sự VC như „Đả đảo CSVN bán nước buôn dân“, „Tự do - dân chủ - nhân quyền cho Việt Nam", „Đả đảo Formosa“ … bằng cả 2 ngôn ngữ Đức, Việt.

Để thỉnh thoảng thay đổi không khí, những bài hùng ca được trỗi lên để đoàn biển tình cùng hát chung những bài như: „Việt Nam quê hương ngạo nghễ“, „Thề không phản bội quê hương“, „Dậy mà đi“ …

Tuần hành tới Hauptwache, trung tâm thành phố Frankfurt

Đến 14g30 đoàn biểu tình bắt đầu sắp xếp đội ngũ, cờ và biểu ngữ để tuần hành đến trung tâm thương mãi của thành phố (Hauptwache) cách đó độ 2 cây số.

Cuộc diễn hành trên đường phố được cảnh sát vui vẻ và lịch sự hướng dẫn, diễn ra rất trật tự và ôn hòa. Vừa đi đoàn người vừa hô vang các khẩu hiệu như trên.

Sau cuộc diễn hành đến Hauptwache, bà con di chuyển về Bad Homburg cách Frankfurt chừng 15 km để tham dự phần hai của ngày sinh hoạt.

Đêm Tưởng niệm, hội thảo cùng nhà văn Phan Nhật Nam và văn nghệ

Phần cuối chương trình cũng được bắt đầu bằng nghi thức chào cờ như buổi trưa. Các vị cao niên đã cử hành nghi thức dâng hương lên bàn thờ với vòng hoa rất trang trọng và di ảnh những vị tướng lãnh, sĩ quan VNCH đã tuẫn tiết hoặc hy sinh trong và sau ngày 30.4.1975 như Tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn…

Bà BS Mỹ Lâm đã cùng Ban Chấp Hành đã có buổi sinh hoạt ngắn liên quan đến công việc của Liên Hội cũng như giải đáp một số thắc mắc của cử tọa.

Phần trình bày của nhà văn quân đội VNCH Phan Nhật Nam không kéo dài vì ông muốn dành nhiều thì giờ để tâm tình và giải đáp những thắc mắc, chia sẻ của người nghe về giai đoạn đau thương quanh ngày Tháng Tư Đen trước đây 41 năm.

Những trao đổi đã diễn ra trong bầu không khí thoải mái, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sôi nổi. Nói chung, mọi người đều thông cảm với hoàn cảnh bi hùng của đội quân VNCH một thời lừng danh Đông Nam Á nhưng cuối cùng thất bại vì không thể chiến đấu đơn độc chống lại hỏa lực hùng hậu của quân CS Bắc Việt mà sau lưng là sự viện trợ vô điều kiện của Trung Cộng, Liên Sô và Khối CS Đông Âu.

Kết thúc phần đặt câu hỏi và tâm tình với nhà văn chiến trường Phan Nhật Nam, bà Đỗ Lan lên ngâm một bài thơ tự sáng tác vinh danh Quân Lực VNCH. Bà cám ơn sự hy sinh, lòng dũng cảm của các anh chiến sĩ trên bốn vùng chiến thuật. Bài thơ đã gây nhiều xúc động trong cử tọa.

Kế đến MC kiêm ca sĩ Thu Sương, ca nhạc sĩ Đình Đại cùng ban nhạc gồm Anh Phước, Anh Thăng, Đặng Lộc và Minh Trí đến từ Pháp Quốc và các ca sĩ Đức Quốc gồm Thy Kim, Thanh Xuân, Trần Bảo đã cống hiến cho đồng bào một chương trình thật đặc sắc với nhiều bài ca đấu tranh. Một số bài do anh Đình Đại phổ nhạc rất hay. Bài thơ „Đất nước mình ngộ quá phải không anh ?“ do một giáo viên trường Trung học phổ thông ở Hà Tĩnh, bà Trần Thị Lam, sáng tác, hiện đang được rất nhiều người trong và ngoài nước yêu chuộng và phổ nhạc. Anh Đình Đại cũng phổ nhạc bài này một ngày trước khi qua Đức trình diễn, tức vào ngày 29.4.2016. Bài này đã được nữ ca sĩ Thu Sương trình bày theo âm hưởng vùng Hà Tĩnh nghe thật cảm động. Các bài hát khác cũng đã được các nam nữ ca sĩ diễn tả với hết tâm hồn khiến người nghe cảm thấy nao nức và phấn khởi.

Ảnh: Minh Thông & Nguyễn Phan
Cập nhật ngày 2.5.2016