Quan hệ với Nga và Trung Quốc: Hai thất bại của thủ tướng Đức Angela Merkel

Trọng Nghĩa -RFI
 
Theo thông báo chính thức của Nhà Trắng, ngày 15/07/2021 diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden với thủ tướng Đức Angela Merkel. Đây có lẽ là sự kiện quan trọng cuối cùng của người được mệnh danh là phụ nữ quyền lực nhất thế giới hiện nay, vì vào tháng 9 tới đây, bà Merkel sẽ không còn lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ tư của hành tinh, sau 16 năm cầm quyền liên tục.

Trong những ngày gần đây, đã xuất hiện rất nhiều bài phân tích về đóng góp, phải nói là rất to lớn, của bà Merkel cho nước Đức nói riêng, và Liên Hiệp Châu Âu nói chung. Bên cạnh đó, cũng có một số bài nêu bật những thiếu sót hay thất bại mà nữ thủ tướng Đức đã vướng phải. Trong số này, rất đáng chú ý là hai phân tích trên nhật báo Pháp Le Monde ngày 30/06 và tạp chí Mỹ Foreign Policy ngày 09/07 vừa qua.

Le Monde: Hai thất bại sau cùng đều liên quan đến Nga và Trung Quốc

Dưới một tựa đề không một chút mơ hồ, Le Monde nhận định: “Angela Merkel rời chính trường châu Âu trên hai thất bại”. Tờ báo Pháp giải thích ngay trong tựa: “Chi tiết đáng lưu ý: Cả hai đều liên quan đến Trung Quốc và Nga”.
Theo nhà bình luận Sylvie Kauffmann của Le Monde, cục diện châu Âu và thế giới ngày nay đã thay đổi rất lớn so với thời kỳ đầu của Liên Hiệp Châu Âu. Vào đầu những năm 1990, khi có một ý tưởng nào đó về châu Âu, thì thủ tướng Đức - lúc bấy giờ là Helmut Kohl - và tổng thống Pháp - thời đó là François Mitterrand - chỉ cần đồng ý với nhau, rồi sau đó gửi một lá thư kèm theo đề xuất của họ tới chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, yêu cầu ông “vui lòng chuyển thông điệp này đến các thành viên khác của Hội Đồng Châu Âu”... Và như thế là xong.

Ví dụ điển hình được Le Monde nêu bật là trường hợp bức thư mà hai nhà lãnh đạo gửi vào ngày 27 tháng 10 năm 1993, trước thềm thượng đỉnh bất thường của Liên Âu về việc thực hiện Hiệp Định Maastricht, tức là hiệp ước thành lập Liên Hiệp Châu Âu và đồng Euro, đồng tiền chung châu Âu.

Mọi sự vào thời điểm đó, theo Le Monde, thật đơn giản. Liên Âu mới chỉ có 12 thành viên, còn tương đối thuần nhất và tất cả hầu như đều công nhận vai trò đầu tầu của cặp Pháp-Đức. Tình hình giờ đây đã khác, số thành viên đã tăng hơn gấp đôi, và quan trọng hơn cả là tính chất thiếu thuần nhất của các nước trong khối. Điều này khiến cho ảnh hưởng của cặp bài trùng Pháp-Đức không còn được như xưa.

Không áp đặt được một thượng đỉnh EU-Nga

Tại Thượng Đỉnh Liên Hiệp Châu Âu hai ngày 24-25/06 vừa qua, bản thân thủ tướng Merkel đã thấm thía được điều đó sau nhiều tiếng đồng hồ tranh luận căng thẳng về vấn đề Hungary và Nga, và đã thất bại nặng nề trong việc đề xuất một hội nghị thượng đỉnh giữa 27 lãnh đạo Liên Âu với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Về hồ sơ Nga, Le Monde ghi nhận rằng ý tưởng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Nga là sáng kiến của chính bà Merkel, đã được bà bàn bạc với tổng thống Pháp hôm 18/06 nhân dịp tiếp ông Emmanuel Macron tại Berlin.

Theo dự định ban đầu của thủ tướng Đức, Berlin và Paris có thể đề nghị khởi động lại đối thoại Liên Âu-Nga, vốn bị đình chỉ kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào năm 2014, với một cuộc gặp thượng đỉnh của  nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ của 27 thành viên Liên Âu với tổng thống Nga.

Paris đồng ý với sáng kiến của Berlin, nhưng nhận thấy rằng giải pháp thượng đỉnh 27+1 quá hào phóng đối với một Putin đã không thay đổi gì kể từ năm 2014. Pháp cho rằng chỉ cần một hội nghị giữa chủ tịch của các định chế châu Âu với tổng thống Nga là đủ.

Bà Angela Merkel cũng gọi điện cho Vladimir Putin và cả tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky. Đến ngày 22 tháng 6, tổng thống Nga đã ký tên vào một bài viết rất hòa hoãn trên báo Đức Die Zeit, kêu gọi "tái lập quan hệ đối tác toàn diện với châu Âu".

Vấn đề được Le Monde nêu bật là bà Merkel đã quên nói về “dự án Pháp-Đức” này với các lãnh đạo châu Âu khác, khiến nhiều nước rất tức giận khi phát hiện ra đề xuất chỉ một ngày trước thượng đỉnh EU.  Cuộc thảo luận vào buổi tối đầu tiên của hội nghị rất sôi động và các quốc gia Baltic, Ba Lan và Thụy Điển đã từ chối đề nghị này.

Đối với Le Monde, việc bà Merkel lao đầu vào sáng kiến tổ chức thượng đỉnh Nga-EU mà không có chuẩn bị gì rất đáng ngạc nhiên vì trái với bản tính thận trọng của bà. Câu hỏi đặt ra là phải chăng thủ tướng Đức mơ đến một bộ ba địa chính trị lịch sử trước ngày rời chính trường? Sau cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu - Trung Quốc với Tập Cận Bình vào tháng 12/2020, rồi cuộc họp với Joe Biden vào ngày mai, 15/07, có lẽ bà muốn kết thúc đẹp đẽ với thượng đỉnh châu Âu-Nga với  Putin vào tháng 9.

Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc bị đình chỉ

Đối với Le Monde, thất bại trên hồ sơ Nga của thủ tướng Merkel tại Thượng Đỉnh Liên Âu cuối tháng 6 vừa qua đã tiếp nối theo một thất bại khác: Đó là việc Thỏa Thuận Đầu Tư EU-Trung Quốc mà bà đã áp đặt được vào cuối năm ngoái 2020, hiện vấp phải nhiều phản ứng chống đối và tiến trình phê chuẩn đang gặp bế tắc.

Theo Le Monde, trên hồ sơ Trung Quốc, Angela Merkel đã tận dụng lợi thế của vai trò chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu của nước Đức cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, để buộc toàn khối ký kết thỏa thuận đầu tư toàn diện với Trung Quốc, được đúc kết vào ngày 30 tháng 12 sau một hội nghị thượng đỉnh qua cầu truyền hình với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, văn kiện này đã bị Nghị Viện Châu Âu phản đối gay gắt, và việc phê chuẩn vẫn bị đình chỉ cho đến ngày nay trong bối cảnh quan hệ với Bắc Kinh ngày càng xấu đi.

Foreign Policy: Merkel “đặt lợi nhuận lên trên nguyên tắc”

Quan điểm hòa hoãn rõ nét của thủ tướng Đức đối với Nga và Trung Quốc đã bị hai nhà nghiên cứu Mỹ cực lực phê phán trong một bài phân tích đăng trên trang mạng tạp chí Foreign Policy ngày 09/07 vừa qua, nói về “Khía cạnh khác của Angela Merkel”, tức là những sắc thái tiêu cực trong viêc làm của thủ tướng Đức.

Theo hai giáo sư Matthias Matthijs, thuộc trường School of Advanced International Studies tại Đại Học Mỹ Johns Hopkins, và R. Daniel Kelemen, Đại Học Rutgers bang New Jersey (Hoa Kỳ), thì trong quan hệ với các đối thủ địa chiến lược của Châu Âu là Nga và Trung Quốc, bà Merkel đã đặt “lợi nhuận lên trên nguyên tắc”, tức là quan tâm đến quyền lợi của nước Đức hơn là những giá trị khác.

Về Nga, ví dụ rõ nét nhất là việc bà khăng khăng bảo về đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga sang Đức bất chấp phản đối của Mỹ và nhiều đồng minh Liên Âu.

Nord Stream 2 sẽ cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga đến Đức qua Biển Baltic, do đó phá vỡ tuyến đường ống hiện có đi qua Ukraina và các nước khác ở Đông Trung Âu. Đường ống sẽ cho phép Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraina và các nước khác trong khu vực trong khi vẫn bán khí đốt cho Đức và Tây Âu. Dự án sẽ làm tăng nguy cơ Nga xâm lược Ukraina, đe dọa an ninh năng lượng của các nước thành viên EU như Ba Lan và làm suy yếu các nỗ lực chung của EU nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Vậy tại sao bà Merkel vẫn tiếp tục ủng hộ việc hoàn thành Nord Stream 2. Câu trả lời là dự án này hứa hẹn cung cấp năng lượng dồi dào với chi phí thấp cho ngành công nghiệp và người tiêu dùng Đức. Với quyết định đột ngột loại bỏ điện hạt nhân của bà Merkel để đối phó với thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản, Đức đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào dầu và khí đốt tự nhiên mà tập đoàn Nga Gazprom là nguồn cung cấp với chi phí thấp nhất.
Dĩ nhiên là bà Merkel không hề đồng cảm với thế giới quan của nhà độc tài Nga, nhưng rõ ràng bà sẵn sàng bỏ qua những vi phạm liên tục và trắng trợn đối với luật pháp quốc tế và các chuẩn mực nhân quyền nếu việc nhắm mắt làm ngơ cho phép bà cung cấp năng lượng rẻ hơn cho các nhà máy và gia đình ở Đức.

Merkel cũng đã theo đuổi cách tiếp cận “lợi nhuận trên nguyên tắc” tương tự khi đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Dĩ nhiên, bà cũng có những động thái cho thấy thái độ quan ngại đến tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, nhưng chỉ ở mức tối thiểu: Bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh tấn công những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông và gián tiếp nhắc đến các trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, kêu gọi nối lại đối thoại về nhân quyền và yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về lao động cưỡng bức. Mùa xuân này, chính phủ của bà cũng ủng hộ các lệnh cấm đi lại của EU và đóng băng tài sản đối với một số quan chức Trung Quốc để phản ứng với những diễn biến mới ở Tân Cương.

Tuy nhiên, cùng lúc với việc bà Merkel phát tín hiệu về nhân quyền, chính phủ của bà đã sử dụng chức chủ tịch luân phiên của EU vào cuối năm ngoái để gấp rút thông qua một thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc mà các nhà phê bình coi là một món quà lớn đối với Bắc Kinh.

Nghị Viện Châu Âu kể từ đó đã đóng băng việc phê chuẩn thỏa thuận trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa EU và Trung Quốc về Hồng Kông và chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Thế nhưng bà Merkel - vì lợi ích của các tập đoàn Đức muốn theo đuổi các cơ hội phát triển tại thị trường Trung Quốc - vẫn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này./.