Remigration – Tái di cư: Từ mang ẩn ý xấu của năm 2023

Lâm Đăng Châu

LGT: Sống ở Đức, người Việt chúng ta dù có hay không có quốc tịch Đức cũng cần quan tâm đến những vấn đề phát sinh trong xã hội, như: Kỳ thị chủng tộc, bài ngoại, phân biệt đối xử, bất bình đẳng, các nhóm chính trị cực đoan âm mưu hủy diệt nền dân chủ, phủ nhận các giá trị phổ quát, muốn xóa bỏ Hiến pháp – Luật cơ bản (das Grundgesetz), dựng lên chế độ độc tài như Đức Quốc xã, từng gây tai họa cho nước Đức và cho thế giới. Chúng ta hãy tích cực ủng hộ các đảng dân chủ Đức, xã hội dân sự và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và quyền người tị nạn, di dân và các tổ chức bảo vệ khí hậu, môi sinh, môi trường…
***
Từ “Remigration” (1), tức là “tái di cư”, hiểu đơn giản là “trục xuất hàng loạt” và đây là từ mà những kẻ cực hữu muốn nói rằng “người nước ngoài cút đi!”. Sự tiêu cực của cụm từ “tái di cư” mô tả một cuộc đánh phá mới, nhắm vào quyền của những người di cư vào Đức hoặc tị nạn ở nước này, bất kể tình trạng cư trú của họ. Có thể thấy rõ ràng nhất rằng, kể từ cuộc họp bí mật ở Postdam (tháng 11 năm 2023), chúng ta đang phải đối mặt với một dạng phân biệt chủng tộc mới ở Đức.

Những tiết lộ của mạng nghiên cứu Correctiv được mô tả là “gây sốc”. Nghiên cứu này cho thấy, các đại diện cấp cao của một đảng trong Quốc hội liên bang, cùng với những người theo chủ nghĩa Tân Quốc Xã cực hữu, lên kế hoạch trục xuất hàng triệu người ra khỏi nước Đức. Các kế hoạch như vậy gợi lại ký ức về tội ác lớn nhất gần đây trong “Thế chiến thứ hai” của lịch sử nước Đức.

Bà Ferda Ataman, ủy viên chống phân biệt đối xử liên bang, cho biết: “Gần 24 triệu người ở Đức có nguồn gốc quốc tế. Và phần lớn người dân không chấp nhận một ‘Đế chế thứ ba’(2) mới, mà muốn một xã hội dân chủ, ổn định, trong đó sự đa dạng và nhân quyền được bảo tồn và tồn tại”. Bà Ferda Ataman cũng xác nhận rằng, nhiều người có nguồn gốc di dân, ngày càng dễ bị phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc. Chủ nghĩa cực hữu không chỉ là quan điểm của một số cá nhân, mà từ lâu đã có các mạng lưới vi phạm hiến pháp, nối kết nhiều nơi trong nước Đức.
Kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử là vấn đề cần quan tâm trong xã hội. Sau hơn 70 năm Hiến pháp Đức (Grundgesetz) được ban hành, nhiều người ở Đức vẫn sống trong nỗi sợ hãi và bất an. Sự thù địch hiện được cảm nhận ở khắp nơi, là mối đe dọa có thật đối với nhiều người.

Trong vài tuần qua, nhiều cuộc biểu tình với hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người chống lại đảng AfD và các nhóm cực hữu diễn ra trên khắp nước Đức. Những cuộc biểu tình này rất cần thiết và được hoan nghênh, nhưng chưa đủ. Bởi vì các cuộc biểu tình không thay thế công việc liên tục đấu tranh thay đổi xã hội để cùng tồn tại đa dạng và bình đẳng:

– Theo đó, Cộng hòa Liên bang Đức từ trước đến nay vẫn là một quốc gia nhập cư, mang tính di dân và là xã hội dân chủ đa nguyên.

– Người dân lo ngại tỷ lệ tán thành cao đối với đảng AfD và những kẻ cực hữu, khiến một số người coi những thái độ khinh rẻ con người là hợp pháp và bình thường.

– Lịch sử, đặc biệt trong Thế chiến thứ hai, cho thấy, chủ nghĩa cực hữu chỉ mang lại bất hạnh cho nước Đức.

– Chúng ta cần một chính sách di dân và tị nạn theo định hướng nhân quyền. Ai đi theo những đòi hỏi và kích động của những kẻ cực hữu là góp phần đàn áp loại trừ và khinh rẻ dân thiểu số.

– Tăng cường giáo dục và công tác thanh niên, phê phán việc phân biệt chủng tộc, phát triển hơn nữa các biện pháp phòng ngừa và thúc đẩy văn hóa “nhớ lại” (về chủ nghĩa phát-xít, lịch sử di dân, lịch sử thuộc địa Đức).

– Chủ nghĩa cực hữu và kỳ thị chủng tộc gây chết chóc, tổn thương, phân biệt đối xử, loại trừ và do đó ngăn cản sự chung sống hòa bình với những cơ hội bình đẳng.

Dân chủ không phải là điều có sẵn. Do đó, bảo vệ nền dân chủ của chúng ta là một nhiệm vụ trọng tâm. Chống phân biệt chủng tộc và đấu tranh chống lại chủ nghĩa cực hữu được xác định trong luật pháp. Xã hội dân sự, các tổ chức và mỗi chúng ta đều có thể góp phần bảo vệ nền dân chủ.

Ghi chú:

(1) “Remigration”: Gọi nôm na là “tái di cư”, tức là hành động trở về quê hương ban đầu hoặc quê hương trước đây sau khi một người di cư. “Remigration” được bình chọn là từ “vô dụng, ẩn ý xấu” của năm 2023. Những người nhập cư vào Đức bây giờ quay trở lại nước ban đầu của họ, nghĩa là họ bị thanh lọc, bị đuổi về cố hương. Từ này chứa đựng ý nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại, thù ghét người nước ngoài.

(2) “Đế chế thứ 3” = “Drittes Reich”: Tức là Đức phát-xít, trong Thế chiến hai.

(3) Đảng AfD: Là đảng “Sự lựa chọn vì nước Đức” hay còn gọi là đảng “Một con đường khác cho nước Đức”. Đảng này hiện được cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Đức quan tâm theo dõi vì có những thành phần cực hữu và bài ngoại. Trong thời gian 10 năm qua, đảng này có mặt trong Quốc hội Liên bang và Tiểu bang. Theo các khảo sát thăm dò, tính đến cuối năm 2023, đảng AfD đạt 20% tín nhiệm trong dân chúng. Sự tín nhiệm này có thể gia tăng trong cuộc bầu cử Quốc hội các tiểu bang năm 2024, đặc biệt ở các vùng thuộc Đông Đức cũ. Cần thảo luận và phân tích sâu hơn để hiểu vì sao có nhiều người bầu cho đảng AfD. Các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và duy trì nền dân chủ đa nguyên và tôn trọng nhân quyền, bảo vệ hiến pháp và nền tư pháp độc lập của nước Đức…

Qua vụ “Remigration”, trong những tuần qua, có hơn 2 triệu người biểu tình trên toàn nước Đức, tố cáo đảng AfD và chống lại các nhóm cực hữu, mang màu sắc phát-xít, đang trỗi dậy, gây hiểm họa cho dân chủ và nhân quyền./.