SỰ CHUYÊN CHẾ CỦA GIÁO DỤC

Điều 2. Mục tiêu giáo dục
Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục
1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

Điều 56. Tổ chức Đảng trong nhà trường
Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà trường lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

(Trích từ Luật Giáo dục 2005, sửa đổi 2009). Và chúng ta thấy rằng, mục đích chính trị và mục tiêu giai cấp cùng lý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn là những nền tảng xuyên suốt và nó cũng lại trở thành phương tiện giáo dục cho toàn bộ nền giáo dục nước nhà nương nhờ và bị kiểm chế theo.
————————

Và trong khung cảnh giáo dục ấy, Đội cờ đỏ hay Sao đỏ đều như là một dạng của hình thức kiểu Đội thiếu niên hay Đoàn thanh niên, những tổ chức và cũng là lực lượng nòng cốt kế cận và tiếp nối của Đảng cộng sản trong việc lãnh đạo nhà nước và xã hội sau này.

Đội cờ đỏ, trong những ngôi trường, không khác gì những mật vụ hay trinh thám, tình báo mà là nỗi ám ảnh và khiếp sợ của các học sinh, thậm chí nhiều khi giáo viên cũng trở thành đối tượng bị gây khó dễ bởi chúng.

Và đám học sinh được mang danh xưng này bỗng chốc trở nên đầy quyền uy, thích phô trương, tỏ ra hống hách, trịch thượng, xảo trá vì cho rằng mình có quyền để xét nét, kiểm điểm, có quyền báo cáo hoặc miễn trừ cho những người được chúng đánh giá là có sự vi phạm vào các quy chế, nội quy của trường tới người có tráhc nhiệm quản lý hay Ban giám hiệu. Chúng trở nên có quyền hành và tự xem mình đứng trên những người khác, có đạo đức hơn người khác và cũng có vị thế để phán định đối với người khác.

Những ngôi trường đã tạo ra một sự phân định giai cấp và thứ bậc về thân phận con người với nhau thông qua thiết lập cơ chế giám sát, kiểm soát và điều hành có tính hành chính, quan liêu ngay từ khi những học sinh còn là một đứa trẻ rất nhỏ tuổi. Những mật vụ kiểu cảnh sát chìm với quyền lực rất lớn đã tàn phá môi trường giáo dục, nhân cách và tự do của con người. Nhà trường theo một mô hình mà đã trực tiếp trao quyền hành cho những đứa trẻ để chúng có thể cai quản lẫn nhau như một xã hội thu nhỏ có trật tự mà Đội cờ đỏ hay Sao đỏ như là lực lượng an ninh có chức trách và bổn phận cao cả và rất lớn với phần còn lại.

Trường học với những đôi mắt rình mò, xoi mói và xét nét, thậm chí lưu manh, côn đồ, chúng sẵn sàng tạo ra những trò gian manh, xảo trá để thoả hiệp với những điều mà chúng cho là nó đã phạm vào những điều không được phép và nếu báo cáo thì những người nằm trong danh sách bị liệt kê sẽ gặp vô số rắc rối cũng như hứng chịu muôn vàn các biện pháp kỷ luật hay hình phạt khác nhau. Chúng trở nên bị hay phải khống chế lẫn nhau và tạo ra những giao dịch, sự mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau.

Những ngôi trường đã tạo ra những sự bất công và bất bình đẳng ngay từ cái nôi của mọi sự đòi hỏi đầu tiên về việc nêu cao cũng như duy giữ những tinh thần và các giá trị cao quý ấy của con người trong một xã hội. Nơi đáng ra cần tự do nhất lại đánh mất tự do. Nơi cần có lẽ công bình nhất lại tạo nên sự bất công từ mọi mặt và mọi phía. Và có những đứa trẻ đến trường không để học mà là để tập trở thành những mật vụ và cảnh sát.