Tình trạng khan hiếm dược phẩm trên toàn cầu

Lưu Thủy Hương
 
Làn sóng dịch thứ hai ở Trung Quốc đã có những tác động đầu tiên lên sự an toàn của thế giới. Tình trạng khủng hoảng dược phẩm bắt đầu xuất hiện.
 
Nước Đức từng được xem là hiệu thuốc tây của cả thế giới. Nhưng từ hai mươi năm nay, người Đức đã giao cho các nước Á châu (điển hình Ấn Độ và Trung Quốc) gia công phần lớn sản phẩm. Vào năm 2000, 2/3 thuốc gốc của Đức (generic*) còn được sản xuất ở châu Âu và 1/3 ở châu Á. Thống kê năm 2020 cho thấy, một tỉ lệ đảo ngược, 2/3 dược phẩm generic được sản xuất ở châu Á, chỉ còn 1/3 ở châu Âu, đặc biệt là các dược phẩm giảm đau, chống sốt như ibuprofen hoặc paracetamol, antibiotikum amoxicillin. Nguyên nhân chính là giá thành. Hệ thống bảo hiểm y tế châu Âu thường chỉ chấp nhận chi trả cho những loại thuốc generic có giá thành thấp, cho nên danh mục thuốc của họ đưa ra hầu hết mang nhãn hiệu made in India hay made in China.
 
Nhưng, vấn đề không chỉ là con số, bao nhiêu phần trăm dược phẩm được trực tiếp sản xuất ở Trung Quốc hay Ấn Độ, mà là một sự thật kinh hoàng: 70 % của tất cả các loại thuốc được sản xuất tại Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đều cần đến các hoạt chất của Trung Quốc. Ngay cả thuốc được sản xuất tại Ấn Độ cũng vậy, Ấn Độ phải nhập khẩu nhiều linh kiện từ Trung Quốc. Đây là một lý do khiến chi phí sản xuất thuốc ở Ấn Độ cao hơn 20% so với ở Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của RIS ở Delhi năm 2021, Ấn Độ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc 90 đến 100% các hoạt chất quan trọng cho paracetamol, penicillin, vitamin B12 và ibuprofen.
 
Tác động của đại dịch:
 
Đại dịch xảy ra ở Ấn Độ, trung tâm sản xuất vaccine cho toàn thế giới, đã từng đẩy thế giới vào cơn khủng hoảng vaccine AstraZeneca. Khi Ấn Độ đột nhiên thiếu nghiêm trọng nhân công, khi chính phủ phải chặn nguồn vaccine gia công lại để ưu tiên chủng ngừa cho dân trong nước, các cường quốc công nghiệp trên thế giới hoảng hốt nhận ra: chuỗi dây chuyền sản xuất toàn cầu có thể gây ra nguy cơ thảm khốc như thế nào.
 
Câu chuyện còn chưa có lối thoát thì chính sách 0-Covid của Trung Quốc tiếp tục gây ra khủng hoảng chuỗi cung ứng hàng hóa. Giờ đây, làn sóng dịch thứ hai đang nhấn chìm các tỉnh thành ở Trung Quốc lại mang đến thảm họa mới: tình trạng thiếu thuốc chống sốt, giảm đau, điều trị bệnh virus. Đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó sẽ là toàn cầu.
 
Tình trạng thiếu thuốc có nhiều nguyên nhân:
 
- Khâu vận chuyển bị khủng hoảng, trung tâm sản xuất dược phẩm chính của Trung Quốc (tại Đồng bằng sông Dương Tử) đã không thể vận chuyển hàng sang Thượng Hải do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của chính sách 0-Covid.
 
- Chính sách 0-Covid nới lỏng đột ngột, hàng trăm triệu công nhân nhiễm bệnh. Các cơ sở sản xuất phải giảm hoạt động từ nhiều tuần nay.
 
- Làn sóng lây nhiễm trên mặt bằng quá rộng với 1,4 tỉ dân số. Chính quyền cho ngưng xuất khẩu thuốc ra thế giới. Gian thương đẩy mạnh đầu cơ tích trữ. Một tỉ dân đổ xô đi mua thuốc tự điều trị và dự trữ.
 
Các cường quốc đang trong tình trạng báo động:
 
Từ tháng 7 năm nay, các bác sĩ Đức đã cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, ví dụ như thuốc hạ sốt ibuprofen và xi-rô ibu-pain cho trẻ em.
 
Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản đang cố gắng tìm cách đảm bảo tính độc lập cao hơn trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như đưa ngành sản xuất thuốc về lại trong nước. Điều này sẽ mất nhiều thời gian. Trước mắt, tình trạng khủng hoảng thuốc trong mùa đông này và những mùa đông sắp tới sẽ diễn ra trên toàn thế giới.
 
Và khi, các cường quốc đưa ngành sản xuất dược phẩm về lại trong nước, một cuộc khủng hoảng khác sẽ diễn ra: khủng hoảng kinh tế./.
 
Chú thích:
Thuốc gốc, generic, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, tuy nhiên nó phải đảm bảo các tính chất dược động học và dược lực học của biệt dược gốc. Đó là các loại thuốc phổ thông như aspirin, ibuprofen, paracetamol…