Trí thức Việt Nam thất nghiệp: Lỗi từ đâu?

Trong vài thập niên gần đây, đặc biệt khu vực Á Châu, thế giới chứng kiến những bước tiến vượt bậc về kinh tế của nhiều quốc gia nhỏ vừa thoát khỏi ách đô hộ thực dân và tình trạng chiến tranh phân hóa kéo dài.

Sự đói nghèo, lạc hậu từng bước bị đẩy lùi trong bền vững của chính sách phát triển từ công nghiệp đến nông nghiệp tùy theo tình hình thực tế của mỗi nước. Nguồn vốn đầu tư của thế giới, quyết tâm của tầng lớp lãnh đạo sáng suốt cộng với tinh thần tự nguyện lao động cần cù đem lại luồng gió mới cho việc xây dựng một xã hội đồng tiến, dân chủ và ổn định. Nhưng không ai có thể phủ nhận, một trong những yếu tố mang lại thành quả lớn lao cho những đất nước ấy chính là chính sách giáo dục tiến bộ, hợp lý, nền tảng của sự phát triển chung.

Việt Nam là nước luôn tự hào về tình trạng thành công của mình sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế nhờ quay lại những nguyên tắc căn bản nhất của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, với vốn vay ưu đãi từ nhiều nguồn trên thế giới, Việt Nam chẳng những bị Thái vượt qua mà còn lần lượt thua cả Miến lẫn Campuchia và được quốc tế đánh giá một cách vừa khôi hài vừa chua chát: một quốc gia… không chịu phát triển.

Mới đây, trong một báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội đã nêu lên một con số khiến bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam càng trở nên u ám.

Báo cáo nói trên cho biết hiện có trên 190.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đang thất nghiệp, chưa kể trên 118 ngàn có trình độ cao đẳng và 60 ngàn trung cấp chuyên nghiệp... chưa tìm thấy việc làm.

Con số đáng buồn này tăng lên hàng năm, năm sau cao hơn năm trước và được nói tới như một đề tài ngán ngẫm mà các nhà giáo dục trong nước chưa tìm ra lối thoát.

Nhìn từ nhiều góc cạnh, có thể nói Việt Nam đang nằm trong ba vấn nạn của tình trạng giáo dục khiến đất nước chẳng những không tiến lên mà lại ngày càng thụt lùi.

Thứ nhất, việc đào tạo đội ngũ trí thức đã không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội. Nói cách khác, nhu cầu nhân lực cho phát triển xã hội, kinh tế đi một đường, nhà trường đào tạo sinh viên một nẻo.

Theo quy hoạch của nhà nước đến năm 2020 sẽ có 460 trường đại học, cao đẳng là một mức cung ứng vừa đủ. Thế nhưng, chỉ tính đến tháng 7/2014, cả nước đã có tới 472 trường đại học, cao đẳng, một con số đáng ngạc nhiên. Hiện tượng đua nhau lập trường đại học chưa ngừng lại không cho thấy điều gì đáng lạc quan.

Hiện nay hầu như tỉnh nào cũng có ít nhất một trường đại học mà mục đích là ganh đua vì danh tiếng “tỉnh nhà” hơn là nhằm giải quyết nâng cao kiến thức sinh viên. Có nhiều trường đại học chưa có địa điểm, chưa có ban giảng huấn hay chỉ có trên giấy tờ đã vội vã tổ chức “tuyển sinh” thu học phí.

Tình trạng ấy dẫn đến hậu quả chất lượng đào tạo rất kém so với tình trạng chung của các quốc gia trong điều kiện tương tự. Thầy dạy lơ mơ, sinh viên học lơ mơ, nên ra trường không thích ứng với nền kinh tế thị trường năng động là điều dễ hiểu.

Thứ hai, nội dung giáo dục không giúp cho sinh viên tìm được việc làm. Đây cũng là một vấn nạn cốt lõi mà nền giáo dục Việt Nam khó thể tự vượt qua.

Để đáp ứng cho nhu cầu đất nước tiến lên và bản thân người sinh viên, Việt Nam không có một triết lý giáo dục căn bản để noi theo. Trong khi giáo dục kiến thức phổ thông chưa đủ sức để sinh viên nhận lãnh trách nhiệm sau khi tốt nghiệp, giáo dục chính trị lại được nhà nước quan tâm đặc biệt, là phần không thể thiếu để rèn luyện và nhào nặn sinh viên trung thành với chế độ.

Từ khi đảng CSVN nắm quyền trên cả nước, chủ nghĩa Mác-Lê chiếm vị trí độc tôn trong đời sống chính trị, trong nhà trường và trong các kỳ thi tốt nghiệp. Chủ trương sai lầm ấy trong những năm gần đây trở thành một gánh nặng cho người học lẫn người dạy.

Nhưng nhà nước cộng sản vẫn cố thủ trong những giáo điều lạc hậu từ những “Lê-Nin toàn tập” hoặc “Hồ Chí Minh toàn tập”, bắt thanh niên phải nhai đi nhai lại đến nhàm chán. Thấy chưa đủ, thanh niên còn bị thúc đẩy học tập noi gương “tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” vốn chỉ là con số không.

Mặt khác, việc đào tạo ở nhà trường đại học hiện nay chú trọng nặng về lý thuyết hơn thực hành. Hầu như không có trường đại học nào dám cam kết chất lượng giáo dục của mình sau khi sinh viên ra trường. Do thiếu hướng khai phá mở rộng tầm nhìn ra thế giới, sự thất nghiệp của các cử nhân, tiến sĩ trở nên một hiện tượng phải xảy ra.

Thứ ba, không có đội ngũ giảng dạy thực tâm vì chuyên môn. Hiện tượng giảng viên đại học thừa kiến thức chính trị nhưng thiếu kiến thức chuyên môn khiến việc học và ngay cả việc giảng dạy trở nên khó khăn, không mang lại kết quả mong muốn. Hàng năm số sinh viên tốt nghiệp vẫn tăng cao đều đặn, nhưng các tân cử nhân ấy có đóng góp được gì cho xã hội thì không phải là trách nhiệm của nhà trường.

Khi mảnh bằng của sinh viên ra trường không giúp họ tìm được con đường sống thích hợp, nhiều bạn trẻ không ngần ngại hạ mình làm một loại thợ trung cấp đủ mọi ngành nghề hay lui về quê lập trại chăn nuôi. Thậm chí có người còn mang bảng đứng đường chỉ mong tìm được việc làm của các “ô-sin”, chưa kể nhiều bạn trẻ ngậm ngùi giấu mảnh bằng đại học, chen chân tìm một chỗ bán sức lao động ở nước ngoài.

Loay hoay hàng chục năm với nhiều đời bộ trưởng, các nhà giáo dục Việt Nam vẫn không sao tìm thấy hai lối thoát căn bản: xây dựng một đội ngũ giảng viên có phẩm chất cao và đào tạo sinh viên ra trường có đủ trình độ.

Vì thế, câu hỏi “Trí thức thất nghiệp, lỗi từ đâu” tưởng không khó trả lời.

Nó xuất phát từ đảng lãnh đạo sai lầm nên những vấn nạn về giáo dục nêu trên chỉ có một cách giải quyết duy nhất: đảng CSVN phải buông quyền lực độc tôn theo đuổi cái gọi là mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Sau hơn 80 năm kềm kẹp người dân trong tối tăm, ngu dốt, thể chế độc tài chính trị, bó hẹp tư tưởng con người của đảng CSVN đã hoàn toàn không có khả năng đào tạo đội ngũ sinh viên trí thức phục vụ và điều hướng xã hội. Sự bất lực ấy chỉ đưa đất nước vào vòng lạc hậu và nô lệ, không còn có thể kéo dài.

Chỉ khi nào nền giáo dục không còn bị một chủ nghĩa ngoại lai lỗi thời áp đảo, Việt Nam mới dễ dàng hướng tới một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng, đủ sức có những đại học tầm cỡ quốc tế để đào tạo ra những công dân toàn cầu đóng góp hiệu quả cho đất nước và thế giới.

Nguồn: http://www.viettan.org/Tri-thuc-Viet-Nam-that-nghiep-Loi.html