Vì sao Telegram không bán gì cả mà vẫn sống khỏe với hàng trăm triệu người dùng?

Telegram là một ứng dụng đặc biệt nhấn mạnh về sự riêng tư, nhưng bên cạnh đó nó vẫn rất tốt để dùng với trải nghiệm ngon lành xuyên suốt các nền tảng.

Telegram ra đời năm 2013 bởi hai anh em tên Pavel Durov và Nikolai. Năm 2006, Pavel Durov từng được xem như là Mark Zuckerberg của Nga khi sáng lập nên mạng xã hội VKontakte (VK). Mạng xã hội này khá phổ biến ở Nga, tuy nhiên sau khi chính phủ của Vladimir V. Putin siết chặt kiểm soát VK và đưa ra một số yêu cầu tiết lộ thông tin thì Pavel Durov đã không còn cảm thấy an toàn ở Nga, thế nên ông rời đi.

“Bản thân tôi không tin tưởng vài khái niệm quốc gia”, Durov nói. Ông bán hết số cổ phần còn lại của mình ở VK cho hãng Mail.ru và rời khỏi Nga vào năm 2014 với số tiền khoảng 300 triệu USD trong túi. Khi đã ra nước ngoài, ông tiếp tục phát triển Telegram và đến giờ, ông cùng với một nhóm các kĩ sư phần mềm luôn di chuyển giữa các nước mà không có điểm đến cố định. Tuần này nhóm có thể ở Paris, vài tuần sau có thể đã sang Singapore làm việc, rồi tuần sau nữa có thể sang Dubia (hiện tại họ đang đóng ở Dubai nhưng sẵn sàng đổi vị trí nếu luật pháp thay đổi). Durov cũng có passport của St. Kitts and Nevis, một quốc gia ở vùng Caribbean.

Pavel Durov​

Trên website của Telegram, họ nói rằng đa số các lập trình viên quan trọng của Telegram đến từ St. Petersburg, thàn phố nổi tiếng với các nhân sự IT giỏi.

Nikolai Durov là người đã tạo nên giao thức MTProto, một giao thức mới hoàn toàn cho việc trao đổi tin nhắn, trong khi Pavel Durov cung cấp hỗ trợ tài chính và hạ tầng thông qua quỹ Digital Fortress (Pháo Đài Số). MTProto được cho là sẽ đảm bảo độ an toàn, chống hack tốt và có thể hoạt động nhanh trên nhiều hạ tầng máy chủ khác nhau trải dài ở nhiều quốc gia, trong nhiều data center.

Telegram có đăng kí thành lập công ty ở Mỹ và Anh nhưng không tiết lộ địa chỉ văn phòng hay pháp nhân đứng ra thuê vì muốn “bảo vệ nhóm phát triển khỏi những ảnh hưởng không cần thiết” và để bảo vệ người dùng khỏi các yêu cầu về truy xuất dữ liệu từ chính phủ các nước.

Telegram nói rằng họ không bao giờ bán quảng cáo hay bán dữ liệu của bạn. “Chúng tôi tin vào ứng dụng chat nhanh, bảo mật và 100% free”. Pavel Durov cung cấp cho Telegram một khoảng tiền “rộng rãi nên chúng tôi khá đủ tiền để hoạt động vào lúc này. Nếu số tiền tài trợ cho Telegram cạn đi, chúng tôi sẽ đưa ra một số tùy chọn nâng cao để bạn giúp chúng tôi vận hành hạ tầng và trả lương cho các lập trình viên. Nhưng kiếm lợi nhuận chưa bao giờ là mục đích cuối cùng của Telegram”.

Với Telegram, có 2 thứ quan trọng nhất:

  • Bảo vệ cuộc hội thoại của bạn những bên có thể xem lén, ví dụ như các hacker, công ty, nhà tuyển dụng và bất kì bên nào khác muốn xem được nội dung chat của bạn
  • Bảo vệ dữ liệu riêng tư của bạn khỏi các bên thứ ba như nhà quảng cáo, marketer…

Năm 2018, Telegram công bố kế hoạch gọi vốn thông qua việc bán các token ra thị trường (ICO) với tên gọi Gram – đây cũng là một loại tiền mã hóa (cryptocurrency). Tuy nhiên, năm 2019 Ủy ban chứng khoán Mỹ đã yêu cầu Telegram dừng việc này vì đã không đăng kí việc mở bán 1,7 tỉ USD đồng token. Hiện tại vụ việc vẫn đang được xử lý tiếp.