“Cải cách thể chế”, nhưng cải cách “thể chế” nào?

nguyenvandai’s blog

Báo Vietnamnet có giới thiệu bài viết về thể chế và các mô hình phát triển của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Trước bài viết này của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã có nhiều nhà nghiên cứu khác có những bài viết về chủ đề này như: GS-TSKH Nguyễn Quang Thái,Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam VIDERI.

—————–

Nhưng tất cả các nhà nghiên cứu đều chỉ nêu lên những bất cập trong vấn đề chính sách, luật pháp, quản lý, điều hành nền kinh tế,… và họ kêu gọi cần phải cải cách thể chế, mà ở đây là thể chế về kinh tế. Chưa có nhà nghiên cứu nào ở Việt Nam dám nói thẳng thắn là cần phải cải cách về thể chế chính trị, cái gốc của mọi vấn đề.

“Thể chế” là một danh từ chung, trong đó gồm thể chế kinh tế và thể chế chính trị. Nói đến cải cách “thể chế” tức là phải cải cách cả thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Trong đó thể chế chính trị là cái gốc, nó đóng vai trò quyết định đến thể chế kinh tế. Tức là thể chế chính trị nào thì sinh ra thể chế kinh tế như vậy.

Theo quan niệm của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF):Thể chế có thể được hiểu là cái tạo thành khung khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi người chia sẻ…

Nghiên cứu của Simon Anholt(2008) cho rằng, thể chế bao gồm ba yếu tố: luật pháp, bộ máy nhà nước, phương thức điều hành đất nước.

Ở các quốc gia Tư bản phát triển thì giá trị phổ biến về thể chế là dân chủ, tam quyền phân lập, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế…Những giá trị này có tính bền vững. Cho dù những nước này đã nổ ra hàng chục cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội, nhưng không những đã không phá hủy những giá trị bền vững ấy mà còn làm cho những giá trị phổ biến ấy ngày càng hoàn thiện hơn.

Ở Việt Nam, nói đến cải cách thể chế thì trước hết phải tiến hành song song đồng thời cải cách cả thể chế chính trị và cải cách thể chế kinh tế. Trong đó cải cách thể chế chính trị phải được ưu tiên và là trọng tâm.

Vậy cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam là gì?

Tức là từ chế độ độc đảng với “chuyên chính vô sản”, “đấu tranh giai cấp” chuyển sang nền chính trị dân chủ đa đảng, tam quyền phân lập, thượng tôn pháp luật chính là đổi mới thể chế chính trị.

Trong đó đa đảng đối lập là thành tố bắt buộc phải có trong thể chế chính trị dân chủ. Không có đa đảng đối lập, không bao giờ có dân chủ.

Bởi khi có đa đảng đối lập, các đảng phái phải tập chung được sức lực, trí tuệ cao nhất để đưa ra các chính sách kinh tế đúng đắn nhất, phù hợp nhất để đa số Nhân dân lựa chọn và quyết định thông các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Chỉ có một thể chế chính trị tự do, dân chủ và công bằng mới sinh ra các chính sách, pháp luật, qui định,… về kinh tế tốt nhất làm  bệ phóng giúp cho Việt Nam cất cánh và phát triển. Tức là có thể chế chính trị dân chủ thì tất yếu sẽ có thể chế kinh tế tốt và tiến bộ.

Trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, ông Dũng cho rằng việc lựa chọn mô hình thể chế nào thì phải dựa vào nền văn hóa.

Sau khi so sánh nước Mỹ, nước Úc, nước Canada, nước New Zealand với nước Anh, ông Dũng cho rằng những nước này đều đã rất thành công khi áp dụng mô hình thể chế của Anh cho đất nước mình vì họ từng là thuộc địa của Anh và có văn hóa tương đồng với nước Anh. Vì người Anh đã không chỉ xuất khẩu thể chế, mà còn di dân và xuất khẩu văn hóa tới những nước trên.

Ông Dũng cũng đưa ví dụ về mô hình thể chế của nhà nước phúc lợi. Các nhà nước phúc lợi Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần lan, Na Uy…) là mô hình thể chế có thể được coi là thịnh vượng và tốt đẹp nhất đang tồn tại trên thế giới hiện nay. Ở các nước này, người dân sinh ra đã được nhà nước chăm lo đầy đủ về mọi mặt. Cuộc sống của họ hết sức an toàn, đầy đủ và hạnh phúc. Và ông Dũng kết luận rằng: Lý do mà mô hình thể chế tốt đẹp lại không thể nhân rộng ra được ngoài vùng Bắc Âu là vì các khu vực khác thiếu nền tảng văn hóa của Bắc Âu.

Cuối cùng ông Dũng đưa ra mô hình thể chế được hầu hết các nước Đông Bắc Á lựa chọn là nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state). Mô hình thể chế này đã đưa lại sự phát triển kỳ điệu cho cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài loan và gần đây là cả Trung Quốc. Sự thành công của các nước này cho thấy mô hình nhà nước kiến tạo phát triển rất phù hợp với nền tảng văn hóa của các nước Đông Bắc Á.”

Ts Nguyễn Sĩ Dũng kết luận rằng mô hình nhà nước kiến tạo là phù hợp với Việt Nam. Và đây là những nét đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển được tác giả Chalmers Johnson đưa ra là:

  1. Một bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả.
  2. Bộ máy hành chính được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả.
  3. Nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường.
  4. Có Bộ thương mại quốc tế và công nghiệp như một thiết chế mạnh điều phối chính sách phát triển công nghiệp.

Cũng nghiên cứu về nhà nước kiến tạo phát triển, tác giả Adrian Leftwith lại đưa ra những đặc điểm sau đây:

  1. Một tầng lớp công chức hành chính tinh hoa hộ trợ cho nhà nước. Các chính sách phát triển chịu ảnh hưởng của tầng lớp công chức ưu tú này.
  2. Nhà nước có tính độc lập, tự chủ cao trước các nhóm lợi ích và luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết.
  3. Nhà nước điều phối kinh tế thông qua một số thiết chế chuyên biệt (ví dụ như Bộ thương mại quốc tế và công nghiệp) có thực quyền.
  4. Xã hội dân sự yếu, chính quyền mạnh và kiểm soát xã hội dân sự rất chặt chẽ, đặc biệt là trong thời kỳ đầu.
  5. Nhà nước ít chịu ảnh hưởng bởi các lợi ích kinh tế tư nhân, đặc biệt là trong thời kỳ đầu.
  6. Các quyền dân sự bị hạn chế, đặc biệt là trong thời kỳ đầu. Nhà nước mang tính chuyên chế cao, nhưng lại có được sự chính danh và sự ủng hộ của dân chúng cao nhờ tạo được sự tăng trưởng kinh tế cao và sự phân phối thu nhập tương đối công bằng.

Đây là các đặc trưng của nhà nước kiến tạo được áp dụng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan ở thời kỳ đầu khi nền chính trị dân chủ còn bị hạn chế. Nhưng trong quá trình bùng nổ về phát triển kinh tế thì các quốc gia nêu trên đã nhanh chóng tiến hành cải cách về chính trị, thúc đẩy xã hội dân sự phát triển.

Và cuối cùng các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã thành công cả về chính trị, kinh tế và xã hội phát triển hài hòa. Nhân dân được hưởng trọn vẹn thành quả của sự phát triển đó cả về các quyền tự do về chính trị và sự thịnh vượng về kinh tế.

Nhưng Việt Nam đã mất hơn 40 năm cho cơ hội phát triển theo mô hình nhà nước kiến tạo theo cách mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đã làm.

Ngày nay, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam và tình hình thế giới đã thay đổi rất nhiều. Việc cạnh tranh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao,… trên trong khu vực và trên thế giới diễn ra quyết liệt và thay đổi rất nhanh chóng.

Việc áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo, tức là vẫn duy trì hạn chế hay tước đoạt các quyền tự do, dân chủ, quyền phát triển xã hội dân sự của Nhân dân Việt Nam là không còn phù hợp và không thể chấp nhận được.

Bởi vậy, con đường duy nhất cho Việt Nam phát triển đó là phải cải cách song hành cả thể chế kinh tế và thể chế chính trị. Trong đó cải cách chính trị chuyển từ thể chế chính trị độc đảng sang thể chế chính trị dân chủ đa đảng đóng vai trò then chốt và quyết định./.