"Chửi" và "Lên án" có lợi và có hại gì?

 
“Chúng ăn không từ thứ gì của dân.”
 
“Dân bây giờ chửi không chừa ai.”
Le Anh|
 

Trong cuộc thảo luận về tình hình kinh tế xã hội hôm 22 tháng Mười, 2019, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân Thuận Hữu (đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) than phiền mở máy ra là thấy “chửi”.

"Mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai; chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay" ông nói.
Câu phát biểu của ông được truyền thông trong nước dẫn lời đã được nhiều người trên mạng chia sẻ. Mạng xã hội tiếp tục “chửi” về câu nói của ông.

Dư luận bình luận rằng câu nói của ông chỉ đúng một phần của sự thật, chỉ phản ảnh được một phần nhỏ trên các mạng xã hội. Chỉ ngoại trừ người xử dụng mạng xã hội chuyên chú ý và tìm những thông tin liên quan đến dư luận chửi hoặc chỉ trích mình. Điều này cho thấy những người làm sai, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo hoặc các cơ quan chính phủ thường hay để ý và sợ phản ảnh của dư luận. Đặc biệt trên các mạng xã hội.

Một khi dư luận quan tâm và chú ý một vấn đề nào đó sai trái thì những lãnh đạo hoặc cơ quan tìm cách tránh né. Thậm chí còn đổ thừa để chạy tội. Chính vì những hành động đó xảy ra thường xuyên làm cho nhiều người bức xúc, đã không kềm chế được cảm xúc và đã phản ảnh trên mạng xã hội bằng những lời lẽ không được đẹp lắm.

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề "chửi” thì ông Tổng biên tập báo Nhân Dân phải hiểu rằng khi người ta chửi phải có lý do. Thường là lý do liên quan đến lãnh đạo và cơ quan công quyền hoặc công an làm những việc sai trái.

Nếu mà lên án những người “chửi” trên mạng xã hội thì xin ông Tổng biên tập Báo Nhân dân về bàn thảo lại với Ban tuyên giáo của Đảng, chấm dứt chỉ thị cho vài chục ngàn dư luận viên đi khắp các trang mạng xã hội chửi bằng những lời lẽ tục tĩu, vô văn hóa.

Đây là những nhân tố chính đã làm ô uế môi trường của mạng xã hội.
Đây chính là những tác nhân đã làm cho ông Tổng biên tập và Đảng có cảm giác nhiều người đang nói “xấu” và đang bị tấn công.

Nói tóm lại, “chửi” và “lên án” là 2 vấn đề khác nhau, ông Tổng biên tập đừng nhập nhằng gom 2 thành một.

Một điều nữa, hầu hết dư luận đều công nhận rằng, sự lên án hoặc lên tiếng của nhiều người trên các mạng xã hội đã đóng góp rất nhiều trong tiến trình thay đổi xã hội Việt Nam.

Lê Ánh