Khóc cho Trà Mi hay khóc cho Việt Nam

|

Ngày 23 tháng Mười, 2019, vụ 39 người chết cóng trong xe container tại London làm cả thế giới bàng hoàng. Tuy nhiên, sang ngày 26 tháng Mười, chúng ta lại bàng hoàng hơn khi biết được nhiều trong số nạn nhân là người Việt Nam, thậm chí có tin tất cả 39 người đều là người Việt!

Báo chí trong nước cho hay 5 gia đình ở Hà Tĩnh đã trình báo con cháu mình mất tích ở Anh. Nạn nhân đầu tiên được xác định đầy đủ danh tính là P.T. Trà Mi, 26 tuổi, người Hà Tĩnh. Theo Reuters đưa tin, dẫn lời Linh Mục Đặng Hữu Nam, nghi ngờ rằng đa số những nạn nhân trong vụ chết trong xe thùng ở Anh là đến từ Hà Tĩnh.

Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, chúng tôi tóm tắt dưới đây một báo cáo về tình trạng nhập cư bất hợp pháp của người Việt vào Anh. Báo cáo được thực hiện vào năm 2017 bởi Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Hiện Đại (L’Institut de recherche sur l’Asie du Sud-Est contemporaine – IRASEC); và cơ quan France Terre d’Asile (tạm dịch là Pháp, Đất Tị Nạn, một tổ chức thiện nguyện).

Theo báo cáo này, phần lớn người nhập cư lậu gốc miền Trung, theo đạo Công Giáo. Quê hương của họ nghèo đói và thiên tai chồng chất. Tỷ lệ thất nghiệp cao và hạ tầng thiếu thốn. Tuổi đời khoảng 20 đến 40 – nghĩa là trong độ tuổi lao động, có gia đình và trình độ học thức rất thấp. Theo Liên Minh Chống Buôn Người (Alliance Anti-Trafic, AAT), thì những người nhập cư lậu được bọn đầu nậu dụ dỗ sang làm việc bên Anh, được coi là một “miền đất hứa”. Ở đó công việc dễ dàng, lương cao, ít bị kiểm tra giấy tờ và thậm chí thủ tục hành chánh cũng rất dễ dàng. Ngược lại, người nhập cư lậu phải chấp nhận chi ra một khoản tiền khổng lồ, đôi khi lên đến 38.000 Euros, coi như phí giấy tờ, di chuyển và ăn uống cho đến lúc sang Anh. Phần lớn người nhập cư lậu phải bán nhà cửa, ruộng vườn để trang trải.

Hành trình của một người nhập cư lậu hầu hết được bắt đầu bằng chuyến bay Hà Nội − Moscow (Mát-xcơ-va). Tới nơi họ sẽ được đưa bằng xe (tải) tới một địa điểm ở Bielorussia (Belarus). Từ đây họ sẽ phải băng rừng đến biên giới Ba Lan sau đó đi xe tới Varsovie (Warsaw, Ba Lan) rồi tiếp đến đi Đức, Bỉ và Pháp.


Riêng tại Pháp, trước đây được xem là “bàn đạp” để vượt bìển Manche sang Anh, người nhập cư lậu được gom vào những nơi hẻo lánh mà một trong số đó là Angres, một ngôi làng nhỏ cách cảng Calais 60km. Tại đây, đầu nậu sẽ cho người nhập cư lậu chọn hai giải pháp để sang Anh.

Giải pháp thứ nhất còn gọi là “low-cost” (giá rẻ) hay CO2, giá từ 3 đến 4.000 bảng Anh (1 bảng = 1,16 Euro = 1,28 USD). Chọn giá này người nhập cư lậu sẽ được hướng dẫn để đột nhập vào các xe container hoặc xe tải đang đậu trong các bãi nghỉ. Các bãi nghỉ trong vùng thường không có hàng rào và camera. Thường thị đầu nậu chọn xe đông lạnh để tránh máy quét nhiệt và chó. Mỗi container được ghép nhiều người, mỗi người được phát cho một túi nhôm để qua mặt máy quét và tự họ tìm chỗ trống trong đống hàng hóa. Mà thường container hàng lạnh phải niêm kín nên không khí ngột ngạt. Một nhân viên hải quan Anh đã kể rằng vì thiếu dưỡng khi nên nó còn ngột ngạt hơn ở trong quan tài đóng kín! Và đó là lý do giải pháp này còn được gọi là CO2!

Nếu người nhập cư lậu có khả năng, giải pháp thứ hai hay VIP được chào với giá từ 8 đến 12.000 bảng. Với giá này, người nhập cư lậu được sắp xếp ngủ trong khách sạn trong khi chờ đợi. Khi xe tới, được “rước” lên ngồi trên cabine tài xế, đó là những tài xế đã được chung chi để làm ăn với đầu nậu. Giải pháp VIP thường được bào đảm 100%. Còn giá CO2 thì không có gì bảo đảm. Tuy nhiên nếu bị phát giác họ phải cam kết tiêu hủy hết giấy tờ, không hé răng để đầu nậu tìm cách đưa về lại Angres và tiếp tục phương cách cũ cho đến khi thành công. Theo cơ quan Liên Minh Chống Buôn Người AAT, 48% đi lọt sau 3 tháng, 16% từ 3 tới 6 tháng, 22% trên một năm. Cảnh sát Pháp ở Calais đã từng bắt một người nhập cư lậu có “thành tích” với 42 lần vượt biển… sang Anh.

Nếu trót lọt, người người nhập cư lậu thường làm trong các quán ăn người Việt và đặc biệt là trong các tiệm làm móng tay (nail). Theo một báo cáo thì nghề nail thịnh hành từ năm 2002 và 60% các tiệm nail trên đất Anh nằm trong tay người Việt. Thu nhập có thể dao động từ 1.500 đến 3.000 bảng/tháng. Chính vì những hứa hẹn này mà người nhập cư lậu không ngần ngại bán của cải hoặc ký nợ để vượt qua cái nghèo dai dẳng suốt bao năm.

Tại sao đầu nậu lại có thể chấp nhận ký giấy nợ? Đơn giản vì như thế đầu nậu dễ khống chế và sai khiến con nợ. Không phải ai sang Anh cũng kiếm được 3.000 bảng/tháng như lời hứa hẹn, và túng quẫn quá họ phải nhắm mắt làm công việc đã được dàn xếp sẵn: trồng cần sa, tiếng lóng gọi là trồng cỏ. Đây là một nghề mang lợi nhuận mà không cần đầu tư.

Theo bài điều tra nói trên, cứ 100 mét vuông sau 3 tháng sẽ thu hoạch 10 ký cần sa. Giá thị trường 3.000 bảng Anh/ký, sau khi chia theo tỷ lệ 60 (chủ)/40, người nhập cư lậu sẽ bỏ túi 12.000 bảng. Sau một năm dư sức trả nợ và còn có thể gởi về nhà.

Chính những “thành quả” này là những động cơ khiến người ngư, nông dân đang thất nghiệp ở quê nhà lên đường tha phương cầu thực. Tuy nhiên, những người “trồng cỏ” phải làm việc trong những điều kiện cực nhọc, tiếp cận với hóa chất, suốt ngày chui rúc trong bóng tối, lạnh lẽo, nhưng cái nguy hiểm hơn cả là bị các băng nhóm cạnh tranh cướp hoa lợi, và dĩ nhiên cũng sẽ đến ngày sa lưới pháp luật. Bản điều tra cho hay trong số 140 người bị trục xuất, 80 ngưòi do trồng và bán cần sa.

Bản điều tra cũng đã đưa ra con số theo đó số người nhập cư lậu có liên quan đến cần sa đã gia tăng 130% giữa năm 2011 và 2012, trong đó 96% đến từ Việt Nam. Còn theo báo cáo của NRM (National Referral Mechanism) theo yêu cầu của chính phủ Anh thì Việt Nam thường xuyên “là một trong 3 nước đứng đầu về số nạn nhân của việc buôn người và nô lệ”. Vào năm 2015, Việt Nam được xếp thứ nhì sau Albania với số nạn nhân tăng 121,3% so với năm 2014.

Lỗi tại ai?

Trước tiên, phải bắt và xử lý trước pháp luật bọn buôn người và đầu nậu. Việc này là chuyện của các cơ quan chức năng Anh và Pháp. Tuy nhiên, đây chỉ là xử lý phần ngọn. Để chặn đứng tận gốc rễ, thiết nghĩ chúng ta phải làm ngay từ nguồn cội của nó, nghĩa là phải từ Việt Nam.

Theo điều tra của cảnh sát các nước Anh, Pháp, Nga và các nước Đông Âu, những người cầm đầu đường dây buôn người Việt phần lớn nằm ở Hải Phòng. Việc này chắc chắn là trách nhiệm của công an Việt Nam. Chính ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 26 tháng Mười khi biết vụ việc đã chỉ thị điều tra làm rõ việc đưa người ra ngước ngoài bất hợp pháp. Các đường dây này đã cấu kết với các băng nhóm mafia gốc Tchetchen (Chechnya) và Ucraina (Ukraine). Điều này không có gì lạ nếu chúng ta biết rằng để đi từ Moscow qua Bielorussia, Varsovie, Đức, Bỉ, Pháp và sau cùng là Anh – mà đôi khi phải đi xuyên rừng – thì chắc chắn phải có người dẫn đường, biết thổ ngữ cũng như sinh hoạt địa phương.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là làm sao để người dân không còn phải bỏ xứ để tha phương cầu thực mới là giải pháp căn cơ. Theo điều tra của IRASEC và France Terre d’Asile thì hầu như 100% nạn nhân đều là dân của 6 tỉnh miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế cũng như làn sóng nhập cư lậu vào Anh đột nhiên tăng kể từ năm 2015.

Có chăng một liên hệ với thảm họa Formosa 2016?

Bởi vì tất cả những dữ kiện đều ăn khớp với nhau. Chẳng hạn như rất nhiều người nhập cư lậu đều làm nghề chài lưới và họ không còn ra biển được vì nước biển nhiễm độc. Mọi người còn nhớ vụ Formosa khởi đầu vào tháng Tư, 2016 khi người dân Hà Tĩnh phát hiện một ống xả khổng lồ đường kính 1 mét đang xả thải thẳng ra biển. Họ xả từ khi nào thì có Trời biết nhưng Formosa Hà Tĩnh đã bắt đầu hoạt đồng từ năm 2010. Chính Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cũng xác nhận có 17.600 tàu cá bị nằm bờ, ảnh hưởng đến cuộc sống trên 200 ngàn người. Trong số 200 ngàn người ngày biết đâu cũng đã có rất nhiều người phải tha phương cầu thực như Trà Mi.

Phải có biến cố 23 tháng Mười tại London người ta mới biết rằng tình trạng buôn nô lệ vẫn còn tồn tại.

Phải có biến cố 23 tháng Mười tại London người ta mới biết rằng người dân 6 tỉnh miền Trung vẫn phải tha phương cầu thực để kiếm sống.

Phải có biến cố 23 tháng Mười tại London người ta mới biết rằng chiến tranh đã chấm dứt từ non nửa thế kỷ, nhưng hạnh phúc vẫn chỉ là ước mơ − và có khi phải trả bằng máu.

Phạm Minh Hoàng