Ngày nhà báo trong tù

Những người mặc thường phục từ trái qua phải: Các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà và Trương Minh Tuấn tại phiên tòa cuối tháng 12/2019. Ảnh: TTXVN

Bá Tân - Báo Tiếng Dân

Đến hẹn lại lên, dịp này báo chí quốc doanh đua nhau ăn mừng kỷ niệm ngày giành cho người làm báo. Báo to, báo nhỏ. Nhật báo, báo tuần. Báo Đảng, báo ngành. Báo trung ương, báo địa phương. Bao la bạt ngàn là báo. Ra khỏi nhà là gặp báo. Báo luôn nồng nặc vây quanh mỗi chúng ta.

Các cấp, các ngành, nhiều đơn vị nối đuôi nhau tổ chức ngày nhà báo, gặp mặt người làm báo. Chúc mừng, cảm ơn, và dĩ nhiên không thể không có quà, thậm chí đó là mục đích chính. Tay bắt, mặt mừng, hai bên nói những lời có cánh, tuy không thật nhưng vừa đúng quy trình, vừa… mát tai.

Không bắt buộc, không có quy định, nhưng ngày làm ăn của báo chí, nơi nào không tổ chức gặp mặt báo chí, coi như… tự gây họa.

Tổ chức ngày nhà báo trong tù cho phạm nhân nguyên là nhà báo. Không đặt vấn đề theo kiểu nên chăng, mà khẳng định luôn là nên. Không còn quyền công dân, nhưng còn quyền con người. Phạm nhân nguyên là nhà báo, nguyên là quan to của giới báo chí, nhân ngày báo chí, nhà tù nên dành cho họ chút kỷ niệm báo chí.

Ngày 21/6/2020, kỷ niệm lần thứ 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều người, thuộc thế hệ nhà báo lão thành, trải qua hàng chục lần kỷ niệm lễ 21/6. Có những gia đình, dịp 21/6 trở thành đại lễ bởi bố (hoặc mẹ) và con, thậm chí cả cháu cùng một nghề. Đó là những gia đình chọn nghề báo làm nghề truyền thống.

Với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, đây là lần đầu trong đời đón nhận ngày nhà báo trong nhà tù. Hai cựu bộ trưởng đứng đầu ngành báo chí, hiện đang thụ án trong nhà tù. Dịp này, ngày báo chí cách mạng, hai đại tội phạm đón ngày nhà báo như thế nào, suy nghĩ thế nào về báo chí cách mạng.

Nhà tù nên có cách nào đó giúp đại quan báo chí – đại tội phạm nhớ lại báo chí cách mạng lẫm liệt oai hùng. Không to tát, chỉ cần đơn sơ, tổ chức ngày nhà báo trong nhà tù cho phạm nhân, nguyên là tướng đầu triều về báo chí.

Dịp này, ngày báo chí cách mạng 21/6, người nhà, bạn hữu, cơ quan đã từng công tác có đến nhà tù tặng hoa cho Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn? Nếu có, nên có, nhà tù đừng gây cản trở, mà nên tạo điều kiện cho hai đại tội phạm được nhận hoa nhân dịp ngày báo chí cách mạng. Biết đâu được, từ những bó hoa hồn nhiên ấy, phạm nhân nhặt nhạnh được chút tính thiện và không quên nền báo chí cách mạng.

Nếu được bỏ phiếu, có nên tổ chức ngày nhà báo trong tù cho phạm nhân hay không? Tôi bỏ phiếu thuận, và rủ rê vận động người khác cùng đồng ý.

Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã một thời đứng trên đầu mọi loại quan báo chí. Cái vẫy tay, ánh mắt nhìn đã thành mệnh lệnh cho báo chí, đừng nói “lời vàng, tiếng ngọc” trong những buổi giao ban, chỉ đạo khét tiếng.

Báo chí phải hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Phải tiên phong, gương mẫu. Phải tuyệt đối trong sáng. Phải quyết liệt chống tiêu cực, chống tham nhũng. Các cơ quan báo chí phải thường xuyên làm trong sạch đội ngũ người làm báo. Kể cả ngày, viết cả đêm chưa hết những giáo huấn của đại quan báo chí Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn dành cho báo chí cách mạng.

Nghe Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn phun ngọc, nhả tơ trên diễn đàn, không ít người (chủ yếu trong giới báo chí) đinh ninh đó là hai viên ngọc sáng mãi ngàn năm. Lời nói, cử chỉ của họ luôn được “tạc” trên cả rừng báo chí quốc doanh, ở những vị trí trang trọng nhất.

Kẻ đốt đền để nổi tiếng, không nổi tiếng bằng hai cựu bộ trưởng cai quản báo chí cùng ra tòa trong một vụ đại án tham nhũng. Đại quan báo chí không chỉ giỏi ức hiếp báo chí, mà còn đặc biệt xuất sắc khoản tham nhũng. Chỉ một phi vụ, tể tướng báo chí Nguyễn Bắc Son bỏ túi 3 triệu USD. Tham nhũng ra tham nhũng. Đã làm quan to, tham nhũng cho tương xứng. Làm quan to mà tham nhũng vặt, phí cái chức mua giá cao. Nguyễn Bắc Son để lại cho bọn đàn em bài học tham nhũng sâu sắc ấy.

Đại tội phạm Trương Minh Tuấn một thời được tung hô là cây lý luận xuất sắc của Đảng. Bằng chứng đâu? Yên tâm, bằng chứng sừng sững như là đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Không lâu trước khi “luân chuyển” vào nhà tù, Trương Minh Tuấn cho ra mắt tác phẩm để đời về đề tài nóng hổi tính thời sự: “Phòng, chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Quyển sách phét lác ấy có tác dụng hay không, chưa có kết luận chính thức, riêng điều này chắc nịch hơn cả tuyên án: tác giả cuốn sách là điển hình của đại suy thoái, tự chuyển hóa từ cán bộ cao cấp của Đảng thành đại tội phạm.

Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã yên vị trong nhà tù, nhưng tính chất độc hại của nó vẫn ngấm ngầm gieo rắc trong giới báo chí. Những kẻ hư hỏng, biến nghề báo thành nghề kiếm chác làm tiền, mỗi khi vơ vét tiền bẩn, thường vịn vào câu thần chú: Đại quan báo chí còn như thế, mình là cái gì…

Thân xác Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhốt trong nhà tù, nhưng nọc độc của nó vẫn gặm nhấm làng báo chí. Kẻ đầu đàn không còn, nhưng đồng bọn chưa hẳn đã hết.