Phân Tích sự Ủng Hộ Donald Trump của Người Mỹ gốc Việt — Vẫn Tiếp Mãi Cuộc Chiến Quá Khứ

Anh Vũ Bảo Kỳ (thứ hai, từ trái) đứng cùng với một số người bạn làm việc cho Đảng Cộng hòa và phái đoàn Georgia tại một sự kiện chính sách do công ty luật quốc tế Dentons tổ chức.

(Bài viết nguyên bản tiếng Anh: Breaking Down Vietnamese-American Support for Donald Trump — Fighting the Last War của tác giả Vũ Bảo Kỳ.)
dịch của Nguyễn Hoàng-Thanh Tâm

Mới đây, ông Hoàng Tứ Duy, một nhà hoạt động lâu năm cho dân chủ và nhân quyền đã bày tỏ sự đồng tình với những giá trị nền tảng của phong trào “Black Lives Matter.” Liền sau đó, mạng Internet đã bùng cháy với những lên tiếng phản đối lập trường của ông, cáo buộc ông có tư tưởng thân-Marixst và hoàn toàn phủ nhận mọi nỗ lực đấu tranh của ông trong hơn 2 thập niên qua cho một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn. Điều đáng lưu ý ở đây là nhiều người không biết rằng ông Duy là người đã tốt nghiệp thạc sĩ, MBA, của Đại Học Chicago. Ngôi trường danh tiếng đã sản sinh nhiều nhân vật tên tuổi đoạt nhiều giải Nobel Kinh Tế, như các vị Milton Friedman, Merton Miller và Eugene Fama. Chính xác là trường Đại Học Chicago đã tạo nên nhiều nhân vật vĩ đại trong lãnh vực tài chính hiện đại của thế giới trong nửa thế kỷ qua.

Tôi vô cùng kinh hoàng trước thái độ tấn công cá nhân này đang diễn ra trên khắp các diễn đàn truyền thông của người Việt tại Mỹ. Hành động này thật chẳng khác gì lập luận dối trá “George Floyd là một diễn viên khiêu dâm”, vốn được sử dụng thường xuyên như một luận điệu bào chữa cho sự tàn bạo của cảnh sát Minneapolis.

Bốn năm trước, tôi đã được tuyển chọn để ứng cử cho vai trò thành viên Cử Tri Đoàn thuộc đảng Cộng Hoà để bầu Tổng Thống. Về mặt cá nhân, đây là một niềm vinh dự, nhưng bên cạnh đó tôi còn cảm thấy một niềm kiêu hãnh dân tộc khi, có lẽ, tôi là người Mỹ gốc Việt đầu tiên có được vinh dự này. Trong suốt hơn 25 năm qua, tôi đã một lòng sát cánh cùng nhiều người tranh đấu cho những giá trị của một nền kinh tế tự do, cho dân chủ, nhân quyền chống lại những trào lưu độc tài toàn trị. Sự hãnh diện — được bầu chọn vào Cử Tri Đoàn — đã sớm nhường chỗ cho mối lo ngại khi tôi chứng kiến sự trổi dậy của một ứng cử viên mà tôi cho rằng vô cùng đốn mạt về đạo đức và trống rỗng trong tư duy. Mối lo ngại đó đã biến thành hiện thực khi ứng cử viên đó nắm trong tay lá phiếu đề cử của Đảng Cộng Hoà, đảng phái mà tôi là thành viên từ thời còn là sinh viên Cộng Hoà.

Do đó, vào tháng Tám năm 2016, sau khi công khai hoá những suy nghĩ của mình, tôi đã từ chức khỏi vai trò thành viên Cử Tri Đoàn. Thà từ chức còn hơn phải bỏ phiếu cho một chiến binh gà quèn, kẻ đã nhiều lần xúc phạm những vị anh hùng đích thực, kẻ đã trốn tránh lệnh nhập ngũ, ăn nằm với các nhà độc tài cùng các diễn viên khiêu dâm. Cùng lúc, ông ta luôn trốn thuế.

Trong suốt bốn năm qua, tôi đã phải chứng kiến trong sự kinh hoàng khi thấy nhiều người Việt nam tại Mỹ đã bám víu lấy Donald Trump như một vị thánh sống. Sự mê muội của họ vào một kẻ xảo quyệt, hèn nhát và lừa đảo đã khiến nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi như tôi vô cùng thảng thốt, không nói nên lời. Điều trớ trêu lớn nhất đó là họ vẫn tiếp tục nhiệt thành ủng hộ một kẻ đã trốn quân dịch chiến đấu tại Việt Nam bằng tờ giấy xác nhận mang bệnh gai cột sống. Trong khi đó họ lại tấn công vào những người yêu nước chân chính như Cố Thượng Nghị Sỹ John McCain, cựu Giám Đốc FBI Robert Mueller, hai cựu quân nhân đã được trao tặng huân chương cao quý Purple Heart và đã từng chiến đấu tại chiến trường Việt Nam. Người ta cũng tấn công vào những người như cựu Tổng Trưởng Quốc Phòng, James Mattis và cựu tướng lãnh John Allen, chụp mũ những người yêu nước này có ý đồ “thao túng chính quyền” — “deep state”.

Làm sao lại đến nông nổi này? Không thể có một câu trả lời dứt khoát mà có lẽ phải cần một sự tổng hợp của nhiều yếu tố văn hoá, lịch sử mới có thể giải thích cho sự trung thành mù quáng này. Tôi xin đương cử 5 lý do:

1) Yếu tố văn hoá “Kính Lão Đắc Thọ”: Bao nhiêu người trong chúng ta đã từng nghe câu nói này? Trải qua hằng nhiều thế kỷ, tại Á Châu, giới trẻ đã từng được giáo huấn phải tôn kính bậc cha chú, và không được cải lại giới thẩm quyền. Theo thời gian, sự tuân phục mù quáng cũng đã biến thành sự thuần phục với những kẻ lãnh đạo độc tài. Có thể nói, về tổng thể, văn hoá Á Đông đặt nặng tính Hoà Đồng hơn Sáng Tạo; Tư Duy Tập Thể được coi trọng hơn Suy Nghĩ Cá Nhân.

2) Trung Quốc: Kẻ thù lịch sử của chúng ta có một vị trí quan trọng trong suy nghĩ của các thế hệ lớn tuổi. Điều đó là đương nhiên bởi những cuộc chiến vô tận từ hàng ngàn năm qua trong lịch sử của dân tộc. Nếu là một quốc gia đầy chiến lược, Hoa Kỳ đã không phải phí phạm 4 năm trời vừa qua, lớn tiếng đôi co — với Trung Quốc — như chính quyền đương nhiệm, trong khi đó lại tạo sơ hở cho chính quốc gia mình qua việc huỷ bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thêm vào đó, việc thiếu trung thực của chính quyền trong suốt 6 tháng qua đã dẫn đến hậu quả nền kinh tế tuộc dốc mà để vực dậy có thể sẽ cần nhiều hơn mức 3 ngàn tỷ Mỹ kim mà kế hoạch kích thích kinh tế đã dự trù. Với những người chống đối việc chi tiêu quá đáng, năm tài khoá này nhiều phần Hoa Kỳ sẽ bội chi thêm 5 ngàn tỷ Mỹ kim, số tiền mà quốc gia này không hề có.

3) Sự phản bội Việt Nam Cộng Hoà của cánh Tả Hoa Kỳ: Người miền Nam đã không bao giờ quên việc Quốc Hội Hoa Kỳ nắm quyền bởi đảng Dân Chủ thuở ấy, đã phủ quyết, cắt viện trợ cho Nam Việt Nam trong giai đoạn nguy kịch 1973–1975. Tuy nhiên, nhiều người có thể không biết rằng chính cựu Tổng Thống Dân Chủ Jimmy Carter đã đấu tranh chống lại đảng đối lập Cộng Hoà để tiếp nhận hàng trăm ngàn thuyền nhân lênh đênh trên biển cả hay lưu lạc trong các trại tỵ nạn khốn cùng khắp Đông Nam Á.

4) Phân biệt chủng tộc: Như nhiều dân tộc tại Á Châu, tính đồng nhất chủng tộc luôn là một yếu tố quan trọng của người Việt Nam. Nó là con dao hai lưỡi, nhất là khi liên quan đến nhu cầu canh tân hay những vấn đề xã hội. Thí dụ, nhiều người trong chúng ta còn nhớ sự kỳ thị mà những người con lai phải gánh chịu. Tôi cũng không nghĩ rằng xã hội Việt Nam lúc đó đã trân quý khi nhìn thấy số lượng vượt trội của các lính Mỹ da Đen tham chiến tại Việt Nam, chiến tranh để bảo vệ chính người Việt.

5) Thiếu hiểu biết thấu đáo về các thể chế dân chủ và các guồng máy kinh tế: Nhiều người đã không hiểu rõ về các nguyên tắc giám sát trong chính quyền mà những Vĩ Nhân Sáng Lập quốc gia này đã đề ra hơn 2 thế kỷ trước, nhằm giảm thiểu các khuynh hướng thú tính khi nắm quyền lực của con người. Ngoài ra, nhiều người cũng không thể giải thích được trong triết lý chính trị, chủ-nghĩa-xã-hội thật sự bao hàm ý nghĩa gì. Môi trường chính trị đầy độc hại hiện nay đã cố tình đánh tráo một thực tế rõ ràng rằng Ứng Viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ (hay chính Đảng của ông ấy) KHÔNG hề cỗ võ cho việc quốc hữu hoá các lãnh vực thương mại, điều vốn dĩ là một trong các nền tảng của chủ-nghĩa-xã-hội.

Quả thực, các thế hệ lớn tuổi của chúng ta đang vẫn còn tiếp tục đấu tranh trong một cuộc chiến của quá khứ, vẫn còn chìm đắm trong nỗi đau mất nước tang thương.

Trước hết, thế hệ trẻ chúng tôi luôn luôn kính trọng hàng triệu người dân miền Nam Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh và phải gánh chịu những tang thương nhằm bảo vệ Việt Nam Cộng Hoà. Nếu thế hệ thời Đệ Nhị Thế Chiến của Hoa Kỳ được coi là “thế hệ dũng mãnh nhất” của quốc gia này, thì có lẽ “thế hệ ưu tú nhất” của miền Nam Việt Nam (bao gồm cả tập thể tỵ nạn chính trị/kinh tế của người Bắc di cư năm 1954) chính là thế hệ đã anh dũng đứng lên bảo vệ Miền Nam Việt Nam trước sự tấn công của Cộng Sản Bắc Việt. Trong những ngày còn ngồi dưới mái trường Lasalle Tabert, tôi đã từng dõng dạc đọc về những nỗ lực hằng ngày của các chiến sĩ miền Nam nhằm bảo vệ đất nước mình. Sau năm 1975, tôi vẫn luôn theo dõi những nỗ lực của các phong trào đấu tranh cho dân chủ, đặc biệt các tổ chức như của Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh.

Thứ nhì, có lẽ chỉ còn là thời gian khi mà tư duy chính trị của tập thể người Việt tại Mỹ sẽ phải bể làm đôi, phân định bởi lằn ranh thế hệ, điều vốn dĩ là sự tiến hoá tự nhiên và bản chất bình thường của con người. Xuyên suốt trong lịch sử nước Mỹ, các cộng đồng sắc dân khác cũng từng chứng kiến sự tách đôi này. Giới trẻ người Mỹ gốc Cuba ngày nay chắc chắn không còn thuần nhất là một khối cử tri theo đảng Cộng Hoà như thế hệ cha mẹ của họ. Ngay sau năm 1975, người Việt tại Mỹ đã nhất mực dồn phiếu cho đảng Cộng Hoà dựa trên nền tảng của đảng này với những chủ trương như chính sách quốc phòng mạnh, nền kinh tế tự do và vai trò lãnh đạo toàn cầu. Các ứng cử viên Cộng Hoà hầu như luôn luôn có thể trông cậy vào lá phiếu của cộng đồng người Việt dù anh sống ở California, Texas, hay Virginia. Thế nhưng đến giữa thập niên 2000, một cái gì đó đã bắt đầu thay đổi. Tôi bắt đầu để ý thấy giới hoạt động trẻ người Mỹ gốc Việt nhập cuộc ủng hộ cuộc ứng cử của Obama, cũng như ủng hộ các ứng cử viên Dân Chủ tại địa phương. Và rồi từ từ có nhiều người Mỹ gốc Việt ra tranh cử trong tư cách ứng viên của đảng Dân Chủ. Hơn nữa, với việc kết thúc của Chiến Tranh Lạnh, các vấn đề chính sách đối ngoại đã phải nhường chỗ cho những vấn đề cấp bách khác, như việc thiếu hụt trong y tế, hay bất bình đẳng về thu nhập. Như trong gia đình của riêng tôi, cậu em thứ của tôi bắt đầu bày tỏ sự bất bình với các chính sách của đảng Cộng Hoà. Là một cựu sĩ quan quân báo của Hải Quân Hoa Kỳ, tốt nghiệp MBA của trường Kellogg và từng là giám đốc của chương trình Gates Foundation, em tôi bày tỏ sự lo ngại về các luận điệu “chống di dân, chống thương mại, chống giáo dục” được xướng lên cùng với sự trỗi dậy của Tea Party. Cậu ta đã cùng với nhiều người bạn đã còn tham dự vào một cuộc tuần hành ủng hộ phong trào Black Lives Matter. Chắc chắn em tôi và bạn bè của em không thể bị quy chụp là những thành phần cực đoan.

Tương tự, nhiều người Việt Nam dưới độ tuổi 40 đã từng hỏi tôi “… làm sao anh có thể giải thích được lý do (cha, mẹ tôi ….) lại đi ủng hộ cho một kẻ mang chứng bịnh ảo tưởng về chính mình, thiếu khả năng lãnh đạo và sự cảm thông, một kẻ góp phần huỷ hoại những định chế và các chuẩn mực về dân chủ, sẵn sàng nói dối và gian lận trong mọi nỗ lực cá nhân để duy trì quyền lực…?”

Mặt khác, tôi lại nhận thấy thế hệ người Việt lớn tuổi tại Mỹ đã ngày càng trở nên giáo điều hơn trong suy nghĩ chính trị. Nhiều người lan truyền âm mưu “birther” cho rằng Tổng Thống Obama sinh ra tại Kenya, hay những người Hồi Giáo đã phong toả các đường phố tại New York để họ cỏ thể được tự do cầu nguyện, hoặc chuyện cho rằng bà Michelle Obama đã chi hàng tỉ đô để trang hoàng dinh thự và đưa gia đình đi du lịch, vân vân và vân vân. Các phương tiện truyền thông không chính thống với những nguồn tài trợ mờ ám đã bắt đầu tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Giới thức thời chúng tôi thường bày tỏ sự ngỡ ngàng trước việc những người từng là nạn nhân trước sự tuyên truyền của Cộng Sản thì nay chính họ đã trở nên những công cụ đắc lực của việc tuyên truyền. Một người đàn anh trong chuyên môn của tôi, ông Tony Montag, thường nói “…ước muốn là cha đẻ của sự suy nghĩ.” Thế hệ lớn tuổi đã sử dụng những tin tức giả tạo nhằm phục vụ cho định kiến của chính mình.

Tập thể người Việt hải ngoại rồi sẽ đi về đâu? Chính quyền Tổng Thống Trump đã phơi bày mối rạn nứt sâu xa giữa các thế hệ, tạo nên sự đối đầu giữa con cái với cha mẹ. Tương tự như những gì Donald Trump đã làm để gieo rắc mầm mống chia rẽ và hỗn loạn giữa các sắc tộc, chỉ nội việc nhắc đến tên Trump cũng đủ có tác dụng tương tự ngay trong chính cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tôi muốn gửi đến các bạn thuộc thế hệ trẻ một suy nghĩ. Thế hệ của chúng ta và các thế hệ về sau sẽ phải gánh chịu những hậu quả từ những quyết định chây lười khốc liệt mà thế hệ cha anh chúng ta đã lấy. Thời đại mà chúng ta đang sống xem chừng như đầy ngột ngạt nhưng hãy giữ vững niềm tin. Đừng bao giờ bỏ cuộc trước việc đấu tranh cho lý tưởng của mình. Đừng bào giờ bỏ cuộc trong nỗ lực tìm kiếm sự thật. Và như lời của Tướng Douglas MacArthur trong diễn văn từ biệt tại trường Võ Bị West Point, hãy luôn luôn đứng lên vì “… Trách Nhiệm, Danh Dự, Tổ Quốc”.

Với thế hệ của cha mẹ tôi, tôi muốn họ biết rằng không một ai trong chúng tôi có mảy may ngờ vực gì về những hy sinh của họ. Tôi vẫn còn nhớ mãi những tiếng khóc thê lương vào buổi chiều định mệnh ấy tại Guam, khi loa phóng thanh loan đi tin miền Nam Việt Nam đã thất thủ. Chúng tôi không thể cho phép chính mình quên đi những khổ nhọc và hy sinh mà gia đình mình, nạn nhân của Cộng Sản, đã phải trải qua. Tuy nhiên, trong chính trị, không một ai có thể luôn mãi mãi đúng. Ngày hôm nay, trước một nghịch cảnh mà từ bên trong quốc gia cho đến thế giới bên ngoài đang có đầy dẫy những thánh đố, thì cơ hội tốt nhất cho thế hệ đi trước là hãy đứng về phía lẽ phải của lịch sử. Nếu vẫn tiếp tục duy trì sự ủng hộ cho một kẻ lãnh đạo vô đạo đức, họ sẽ làm suy yếu cuộc đấu tranh thật sự cho dân chủ và nhân quyền. Nếu họ không chấm dứt cuộc đấu tranh trong một trận chiến xưa cũ, thì họ sẽ tiếp tục thua cuộc trong trận chiến chinh phục trái tim và lý trí của con cháu mình, những con cháu mà họ đã hy sinh quá nhiều để bảo đảm có một tương lai tốt đẹp hơn.

==============

Ông Vũ Bảo Kỳ cư ngụ tại Atlanta hơn 40 năm qua. Vào năm 1975, gia đình ông rời Sài Gòn trước khi miền Nam thất thủ, rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt. Sau khi định cư tại Úc Châu, gia đình ông đã quay trở lại Hoa Kỳ vào năm 1977. Ông tốt nghiệp trường Georgia Tech và hoàn tất chương trình MBA của Georgetown University. Ông từng phục vụ trong vai trò Ủy Viên của Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống Về Người Mỹ gốc Á và Hải Đảo Thái Bình Dương từ năm 2001–2004 dưới thời Tổng Thống George W. Bush. Vào năm 2015, Thống Đốc Nathan Deal đã bổ nhiệm ông Vũ Bảo Kỳ vào Hội đồng Tiểu Bang về Hệ Thống Cao Đẳng Kỹ Thuật Georgia. Hiện nay ông là Phó Chủ tịch của Ủy ban Bầu cử và Ghi danh Cử tri Quận DeKalb, tiểu bang Georgia. Ông tốt nghiệp lớp Lãnh Đạo Georgia, niên khoá 2008.

Nguồn nguyên bản tiếng Anh của tác giả Vũ Bảo Kỳ: https://medium.com/@baokyvu/breaking-down-vietnamese-american-support-for-donald-trump-fighting-the-last-war-436dae308cbf

(Bản dịch của Nguyễn Hoàng-Thanh Tâm)