Khi nước Mỹ bị phân hoá và người Việt choảng nhau vì kẻ bênh người chống …

Tien Luu
Bs Đặng Vũ Chấn

Từ vài năm nay nước Mỹ càng ngày càng phân cực giữa bên bênh bên chống Tổng Thống Trump rồi từ đó lan qua vụ bênh và chống phong trào Black Lives Matter.

Trên các mạng xã hội , mỗi bên thường xuyên tung lên những hình ảnh, những video clips, những tin tức mô tả bên đối phương là xấu xa, có khi là những hiện tượng có thật được dùng để tổng quát hoá vơ đũa cả nắm đối phương, và có khi là những fake news, hình ảnh nguỵ tạo, hay video được dàn cảnh để khích động sự giận dữ hăng tiết vịt của người phe mình. Và trong tình trạng trên chắc chắn những nước đối địch với Mỹ như Hoa Cộng, Nga, Iran, Bắc Hàn v.v.. không bỏ lỡ cơ hội để nhẩy vào lung đoạn đâm bị thóc chọc bị gạo cho nước Mỹ thêm rối tung.
Người Việt cũng bị cuốn hút vào sự phân cực này, khởi đầu từ bên Mỹ rồi lan sang Âu Châu rồi sang tận bên nước Việt ta. Dân ta có vẻ bảo hoàng hơn vua, nên ta thấy những luận điệu bênh chống cực đoan quá khích, đưa đến bạo lực ngôn ngữ, lăng mạ cá nhân nhau trên mạng, và ta đang thấy hơi hám văn phong vô văn hoá của dư luận viên VC đang muốn khích động thêm sự phân hoá trong cộng đồng Việt. Đã có hiện tượng vợ chồng đưa nhau ly dị vì bênh chống Trump (không biết Trump là lý do hay lý cớ), bạn thân nghỉ chơi nhau vì Trump, bố con, anh chị em giận không nhìn mặt nhau vì Trump.

Ngay trong đại gia đình Việt Tân chúng tôi, cũng có hai luồng suy nghĩ đối ngược nhau về Trump và Black Lives Matter có khi đưa đến tranh luận khá sôi nổi. May thay, với văn hoá Hoà và Đồng của Việt Tân, và sự nhắc nhở lẫn nhau phải luôn giữ cho tim nóng với tình thương, nhưng đầu nguội tỉnh táo, để không quên mẫu số và đường đi chung, anh chị em chúng tôi tôn trọng những dị biệt của nhau, giữ hoà khí thân thương để đồng tâm cùng hướng tới lo cho tổ quốc và dân tộc chung.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là người Việt ta có cần phải choảng nhau vì bất đồng quan điểm với nhau về Tổng Thống Trump và Black Lives Matter không?

Người viết bài này xin phép mặc áo giáp để sẵn sàng lãnh hai lằn đạn từ hai phía rồi đưa ra một vài phân tích về hai vấn đề nổi cộm này xem nó ảnh hưởng thế nào đối với chúng ta, trước hết bàn về Black Lives Matter (BLM) sau đó về Tổng Thống Trump (TTT)

Phong trào Black Lives Matter (BLM):
Chắc hẳn chúng ta đều đồng ý rằng nước Mỹ đã tiến lên một bước khá xa từ một nước với chế độ nô lệ da đen sang một nước đã chấp nhận cho một người lai da đen lên làm Tổng Thống. Tiến trình này đã phải trải qua xương máu, mồ hôi nước mắt của một cuộc nội chiến, và những cuộc tranh đấu trường kỳ dai dẳng có khi bạo động có khi bất bạo động của người da đen. Và những sắc dân thiểu số da màu khác, trong đó có người Việt ta sang sau ở muộn, đã và đang hưởng ké những thành quả này qua những chính sách dung nạp, ưu đãi người thiểu số.
Và nếu tất cả chúng ta cùng biết rằng, chính những người da đen có thế lực đã vận động cho nước Mỹ đón nhận thêm người anh em tỵ nạn Đông Dương thể hiện qua một thư ngỏ trên báo NYT năm 1978 và bài viết của một lãnh đạo phong trào Dân Quyền Da Đen thời đó, Bayard Rustin, thì có lẽ những cụ còn căm hận Joe Biden vì tin rằng ông này đã chống việc nhận tỵ nạn Việt vào Mỹ (có luồng phản biện dẫn chứng không phải thế), chắc cũng sẽ nhìn người da đen với chút thiện cảm hơn.
Và chắc chúng ta cũng đồng ý với nhau rằng tình trạng kỳ thị chủng tộc ở Mỹ vẫn còn hiện nay, từ công khai đến ngấm ngầm tinh vi và đáng bị lên án. Nhưng cũng từ đây bà con ta bắt đầu có suy nghĩ khác nhau.

Một bên cho rằng sự kỳ thị vẫn còn phổ quát có tính cách hệ thống dù bị lên án trên lý thuyết , nên cần phải tranh đấu áp lực lên hệ thống để chấm dứt nó. Phần lớn người có cái nhìn này là nhưng bạn trẻ, sinh trưởng trong môi trường dân chủ cổ võ sự bình đẳng và công bình, thấu cảm được những bất công mà người da đen vẫn phải chịu. Với tinh thần trong sáng, tràn đầy lý tưởng đó họ thấy BLM là một phong trào đầy chính nghĩa đòi bình đẳng cho người da đen nói riêng cũng như cho các nhóm thiểu số bị hắt hủi kỳ thị nói chung trong đó có người Á Châu, cho nên họ đã nhập cuộc xuống đường hay ủng hộ bằng nhiều cách, cùng mọi sắc dân khác kể luôn dân da màu trắng

Bên kia, không cho rằng kỳ thị có hệ thống, mà chính người da đen cũng có trách nhiệm trong việc bị kỳ thị, và hoàn toàn chống lại BLM. Đa số bà con có suy nghĩ này là những người lớn tuổi với nhiều hành trang trong cuộc đời từ bên quê nhà . Các lý do đưa đến suy nghĩ trên có thể là:

1- một tư duy văn hoá từ nhỏ thấm vào đầu rằng trắng là tốt đen là xấu
2- thấy tỷ lệ người da đen phạm pháp khá cao nên muốn tránh họ, quên rằng bần cùng sinh đạo tặc ở khắp nơi khắp mọi giống dân không chỉ ở da đen
3- đã từng hơn một lần là nạn nhân của những thành phần xấu Mỹ đen nên đã có định kiến và nhìn dân ủng hộ BLM như là đám ngu dại, làm chuyện ruồi bu vì chưa thấy quan tài chưa đổ lệ
4- vì thấy TT Trump của mình bày tỏ ác cảm với đám biểu tình mà không để ý kỹ rằng chính TTT cũng chưa bao giờ nêu đích danh BLM để lên án
5- trên hết cả, là sự dị ứng với CS nên không thể chấp nhận được một trong những người khởi xướng BLM lại công khai nhận mình đã được huấn luyện là Marxist.
Hai cái nhìn khác biệt trên đã đưa đến xung đột ý thức, gây phản cảm cho nhau. Một bên phẫn nộ cho rằng bên kia là đám trẻ ranh, ngờ nghệch bị CS lợi dụng nên dùng những lời lẽ mắng mỏ sỉ vả , bên kia thì bực bội cho rằng các lớp cha chú đàn anh là đám kỳ thị, lạc hậu, đạo đức giả khi hô hào chống cộng kêu gào nhân quyền cho bên nhà mà không áp dụng điều 2 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cho chính mình bên này.
Nhưng nếu cùng nhau giữ cho đầu nguội, để mở tâm trí mình ra, đặt mình vào góc nhìn của bên kia, ta dễ thông cảm quan điểm của nhau và sẽ thấy rằng hai hướng suy nghĩ khác biệt này không nhất thiết phải triệt tiêu nhau mà có thể dung hoà bổ túc cho nhau.

Một bên tham gia tranh đấu cho xã hội mình sống trong đó được tốt đẹp hơn, bên kia là tiếng nói của sự cẩn trọng nhắc nhở bên này đừng vì quá hăng say mất cảnh giác bị lôi cuốn vào những xu hướng tiêu cực quá khích. Giữ được đầu nguội sẽ giúp ta có những lời lẽ dễ lọt tai nhau hơn thay vì tạo phản cảm đưa nhau vào vòng luẩn quẩn tranh luận thắng thua không ai muốn nghe ai

BLM hiện nay đang trở thành một phong trào quần chúng đòi quyền của người da đen có mạng sống bình đẳng với tất cả mọi người dù rằng có thể có một tổ chức sáng lập cùng tên với ý đồ làm cách mạng phá bỏ trật tự đương thời. Khi là một phong trào thì nó dễ quy tụ thượng vàng hạ cám, nhiều tổ chức và xu hướng nhẩy vào muốn khuynh loát, từ thành phần đấu tranh ôn hoà bất bạo động đến thành phần cực đoan quá khích muốn bạo động bao gồm luôn cả thành phần chống BLM tham dự để phá đám tạo hình ảnh xấu làm hoen ố chính nghĩa của phong trào. Tương tự như trào lưu chống cộng của người Việt chúng ta trong đó có nhiều đảng phái tổ chức với khuynh hướng khác nhau từ hữu sang tả, và nhiều thành phần vô tình hay cố ý làm hoen ố chính nghĩa chống cộng. Nếu ta biết không lên án cả công cuộc đấu tranh chống cộng khi có những hiện tượng chống cộng lố bịch phá đám, thiết tưởng ta cũng không thể lên án toàn bộ phong trào BLM khi có những hiện tượng tiêu cực xẩy ra trong đó.

Chúng tôi tin tưởng vào trình độ nhận thức của những người Việt tham gia phong trào BLM, nhất là khi họ sinh trưởng trong môi trường dân chủ với thông tin đa chiều, và được huấn luyện trong trường học Mỹ để có một tư duy độc lập phê phán. Quả thế, họ luôn tham gia và tổ chức những cuộc biểu tình và sinh hoạt ôn hoà, như đa số các cuộc biểu tình của BLM và ta cũng đã thấy nhiều lần những thành phần quá khích bạo động bị can ngăn và chặn lại khi định quấy rối. Ta cũng thấy các biểu ngữ quá lố gây phản cảm như đòi giải tán cảnh sát lúc đầu rộ lên nhưng bây giờ chỉ còn lưa thưa ít ai cầm hay hô hào.

Những bạn Việt ta nói trên là những người mà chúng ta phải tiếp cận tranh thủ rủ họ hướng thêm về đất Việt vì họ có tố chất của những con người đấu tranh: có lý tưởng, vị tha , không ích kỷ co mình, và không chỉ bàn xuông mà đủ nghị lực và dũng khí để dấn thân nhập cuộc.

Nhưng họ cũng cần được chia sẻ những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại, còn hợp thời hay không, để sao có thể phân biệt vàng thau lẫn lộn và cảnh giác cho khỏi rơi vào các hầm hố, các xu hướng có thể Marxist trong lúc hoạt động. Đó cũng là vai trò của các vị có nhiều ngờ vực ác cảm đối với BLM mà chúng tôi tin rằng họ sẽ cảm kích ghi nhận khi được nghe những lời lẽ ôn tồn xây dựng thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.

Bênh hay Chống Tổng Thống Trump (TTT)
Thương ai thương cả đường đi

Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng
TTT vốn cũng là một tài tử sao Reality TV nên ông dễ có được một lượng fans cuồng nhiệt. Nhưng đồng thời ông cũng là một nhà kinh doanh và nhẩy vào chính trường để tác động lên đời sống xã hội nên cũng gây ra bao kẻ thù cuồng nhiệt không kém. Cá tính của ông rất độc đáo làm nhiều người mê cũng như lắm người ghét.

Hiện nay nước Mỹ đang vỡ trận, đối phó với đại dịch covid 19 với số ca nhiễm và tử vong chiếm khoảng ¼ số ca nhiễm và tử vong trên thế giới trong khi dân số chỉ khoảng 4% toàn cầu. Nhưng đối với dân phò Trump thì nhờ có TTT phản ứng nhanh chóng chặn dân Hoa lục du lịch vào Mỹ mà dân Mỹ không chết nhiều hơn. Rồi mai đây với thời gian và tiềm lực quốc gia Mỹ, chắc chắn đại dịch sẽ được khắc phục. Lúc đó nếu là trước tháng 11, ta sẽ không ngạc nhiên nếu nghe “ Dịch lên (hay Stock chìm) là tại thiên tai, Dịch lùi (hay stock lên) là tại thiên tài Tổng Trump”

Kinh tế Mỹ trước đại dịch lên như diều với TTT, với tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục và qua đó người Mỹ Da đen được hưởng lây có thể thêm nhiều việc làm nhất từ trước đến nay. Nhưng đối với dân ghét Trump thì kinh tế lên là nhờ TTT hưởng đuôi của Obama, người da đen có job nhưng là job cơm thừa canh cặn vẫn không đủ sống, kinh tế lên gì mà nợ công kỷ lục, lương tăng không theo kịp giá đồ ăn ở chợ dù trên giấy tờ lạm phát rất ít v.v…

Mỗi bên muốn nói thế nào cũng được theo góc nhìn của mình và cứ như thế mà hai bên càng xa nhau và càng cay nhau nhất là khi càng gần ngày bầu cử tháng 11 này. Rồi đổ lỗi cho nhau gây phân hoá, bên này đổ cho phe Dân Chủ Thổ Tả cay cú đánh phá TTT, bên kia thì đổ cho TTT là người khích động sự giận dữ xung đột. Người viết bài này quan niệm không có ai hoàn toàn xấu hoặc hoàn toàn tốt cả. Cho nên thay vì đi vào bãi chiến trường bênh hay chống TTT, xin được làm ông ba phải để thấy rằng có những điều TTT làm hay đáng khen và có những điều làm dở đáng chê, tất nhiên theo cái nhìn chủ quan của mình mà nhiều người có thể không đồng ý. Nhưng ở đây người viết chỉ tập trung vào một vấn đề ưu tiên hàng đầu đối người Việt ta đó là thảm hoạ Bắc Thuộc từ Hoa Cộng và TTT giúp được gì.

Phải công nhận TTT đã tỏ ra cứng rắn với tên du đãng Hoa Cộng rất nhiều so với thời Obama từ lúc Mỹ thấy có nhu cầu xoay trục về Á Châu để ngăn chặn nguy cơ bành trướng của Hoa Cộng. Thái độ này của TTT làm cho người Việt ta rất khoái đến độ có người đã thốt lên TTT là cứu tinh của dân tộc Việt. Có người vận động tranh cử cho TTT đã lập luận rằng không ủng hộ TTT, dù chỉ đứng giữa, tức là CS, là về phe Bắc Kinh. Vận động kiểu này chỉ làm hại cho TTT thôi vì theo y chang lập luận của Biden đã bị phản ứng ngược làm nhiều người Mỹ đen tức giận khi nói còn phân vân không biết bầu cho tui hay Trump tức là không phải Mỹ đen (“If you have a problem figuring out whether you're for me or Trump, then you ain't black'.”)

Người ghét Trump thì cho rằng đó chỉ là show cứng rắn cuội, nổ không có chiều sâu và tầm nhìn dài hạn như Obama, chỉ là chiêu để mặc cả với Tập cho lợi riêng để thắng cử và nghi ngờ hiệu quả chống Hoa Cộng của TTT.

Kệ thương hay ghét TTT, ta thấy thái độ cứng rắn và ra mặt chống Hoa Cộng của Mỹ ít nhất đã có sự đồng thanh của các nước đang bị Bắc Kinh ăn hiếp trong đó có CHXHCNVN. Hà Nội đã tỏ vẻ mạnh dạn hơn đối với Bắc Kinh mặc dù vẫn còn run.
Vấn đề ta cần bàn cãi thảo luận ở đây nếu muốn tranh luận với nhau là người Việt ta cần làm gì để khai thác khoảng thời gian thuận lợi này cho nước ta hơn là cãi nhau giữa việc tôn vinh hay hạ bệ TTT .

Ta không thể quên bài học xương máu từ cuộc chiến thế kỷ trước: đó là nước Mỹ có chống Tàu hay bênh vực nước Việt cũng đều là cho quyền lợi của nước Mỹ. Có nghĩa là một khi thương thảo xong cho quyền lợi của Mỹ và quyền lợi của Việt không còn cùng đường với Mỹ nữa thì ta chỉ còn mình ta với ta chọi với tên du đãng láng giềng phương Bắc. Xây dựng nội lực cho chính mình để dựa vào chính mình vẫn là chân lý ngàn đời qua đó tổ tiên ta đã dựng và giữ nước.

Đó là chưa kể trong việc chống Bắc Kinh của Mỹ, Hà Nội trở thành một đối tác cần tranh thủ, và như thế vấn đề nhân quyền tự do dân chủ cho nước Việt sẽ chẳng là gì quan trọng đối với chính quyền Mỹ dù là TTT hay Biden, nhất là khi mà lực lượng đấu tranh dân chủ Việt không có trọng lượng đáng kể để ngồi vào bàn cờ quốc tế vì mãi lo choảng nhau
Thiển nghĩ để khai thác tình hình Biển Đông đang có những biến chuyển thuận lợi cho ta trong lúc này các lực lượng đấu tranh dân chủ cần thúc ép Hà Nội mạnh dạn hơn trong việc kiện Bắc Kinh ra toà án quốc tế như Phi Luật Tân đã làm.

Mỗi cá nhân người Mỹ gốc Việt có toàn quyền tự do muốn bầu và vận động cho TTT hay Biden nhưng các tập thể đấu tranh nhất là có mặt tại Mỹ không thể bỏ hết trứng vào một giỏ, mà cần tiếp tục xây dựng quan hệ tốt với hành pháp lẫn lập pháp để có được tiếng nói của ta. ( Có phải là điều tự nhiên không khi có một luồng dư luận ồn ào tạo ấn tượng là Việt Tân chống Trump trong khi Việt Tân đang vun trồng quan hệ tốt với cả hai phía tại Mỹ?). Cộng đồng người Việt tại Mỹ và lực lượng đấu tranh dân chủ nói chung cần xây dựng một thế lực mạnh chung sao cho mọi thương thảo giữa Mỹ và CSVN không thể thiếu vai trò và quan điểm của chúng ta. Ta không thể mạnh được nếu cứ chửi lộn và chụp mũ nhau đủ thứ mỗi khi bất đồng với nhau về TTT.
Tạm kết:

Nước Mỹ đang vô cùng phân hoá hiện nay và nếu tiếp tục, nước Mỹ sẽ mất đi thế mạnh của mình khi đang đối phó với Hoa Cộng và các địch thủ khác. Người Mỹ gốc Việt có thể đóng góp duy trì sức mạnh của Mỹ không phải bằng cách lôi cuốn nhau vào vòng chửi bới phe phái mà nên tiếp tay nhau truyền bá những hình ảnh đẹp truyền thống Mỹ để xoa dịu những xung đột không cần thiết. Đó là quyền tự do bày tỏ ý kiến khác biệt và lập trường của mình với tinh thần trách nhiệm và văn minh, không mạ lị bôi nhọ cá nhân đưa đến căm thù nhau chỉ vì bất đồng chính kiến. Đó cũng là thái độ của người quân tử mà chúng ta đã từng được giáo dục trong chính thể VNCH. “Quân tử hoà nhi bất đồng…..”