Những nghịch lý tăng trưởng ở Việt Nam

Tân Phong - Web Việt Tân

Tăng trưởng nhờ “mượn đầu heo nấu cháo”

Nhờ khả năng duy trì kim ngạch xuất cảng của khối doanh nghiệp FDI và hoạt động “tạm nhập, tái xuất,” dán nhãn “made in Viet Nam” gia tăng bất thường của những doanh nghiệp “hồn Trung, xác Việt” trong 9 tháng đầu năm 2020, thặng dư thương mại tăng cao ở mức kỷ lục trong 15 năm qua, hơn 16,52 tỷ Mỹ Kim cho tới thời điểm hiện tại.

Một báo cáo mới đây của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) chỉ ra trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam “…các mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Mỹ chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác. Trong khi đó, Việt Nam lại nhập khẩu nhiều mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc…”. Trên cơ sở đó, VEPR đặt ra nghi vấn:

“Vì thế, tất cả con số thống kê nêu trên về sự tăng trưởng đột ngột của nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ cho cùng một số loại mặt hàng nhiều khả năng chỉ thuần túy là tạm nhập tái xuất chứ không phải do sản xuất trong nước được mở rộng.”

Trên thực tế, kể từ thương chiến Mỹ-Trung nổ ra và khi Việt Nam ký được các hiệp định tự do thương mại FTA với các thị trường quan trọng như EU, các doanh nghiệp Trung Quốc và liên doanh Việt – Trung đã đẩy mạnh hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế thông qua hình thức “tạm nhập, tái xuất” hoặc đưa những dây chuyền gia công lắp ráp, công đoạn cuối của chuỗi sản xuất về Việt Nam để lấy “xuất xứ hàng hóa C/O,” vốn đã có hàng chục năm qua.

Tổng cục hải quan, cơ quan thuế, phòng thương mại VCCI (đơn vị cấp C/O) và cảnh sát kinh tế Việt Nam đều biết rõ các hoạt động này của các doanh nghiệp “hồn Trung, xác Việt,” nhưng tất cả đều được giải quyết bằng phong bì. “Mỗi cửa” đều có một mức “phí” riêng.

Việt Nam là cái tên đã từng bị Tổng Thống Donald Trump chỉ mặt gọi tên là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” năm 2019 và vừa qua đã chính thức nằm trong danh sách các quốc gia bị Bộ Tài Chính Hoa Kỳ điều tra về hoạt động “thao túng tiền tệ.” Giới chức CSVN giãy như “đỉa phải vôi” khi bị đưa vào danh sách này và lo ngại những hậu quả có thể xảy ra trong trường hợp Hoa Kỳ áp đặt thuế quan mới.

Một mặt, Hà Nội luôn phủ nhận những hoạt động gian lận thương mại có tổ chức được hậu thuẫn bởi bộ máy hành chính tham nhũng, một mặt cấp tốc đưa ra các thông tư, qui định mới về mặt hình thức để chứng tỏ “nỗi oan Thị Màu.” Điều hoàn toàn vô nghĩa với những cái mồm “quen ăn, không quen nhịn” của giới chức CSVN. Việt Nam trở thành nơi trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của Trung Cộng để gian dối và trục lợi thương mại qua các hiệp định FTA mà Việt Nam được các nước phương Tây ưu đãi là thực tế hiển nhiên đang diễn ra với qui mô, mức độ ngày một lớn. Những địa phương có lợi thế hạ tầng và cảng biển quốc tế như Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai sẽ trở thành đầu mối tập trung hàng hóa Trung Cộng, được gia công dán nhãn Việt Nam trước khi xuất đi Châu Âu và Mỹ.

Những mánh khóe học được từ quan thày Bắc Kinh của CSVN có lẽ người Mỹ không lạ, song vì nhiều lý do tế nhị khác, Hoa Kỳ chưa muốn “hất bát cơm” của hàng triệu lao động Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong khi thế cờ ở biển Đông vẫn còn cần “thêm bạn, bớt thù.” Điều này khiến cho giới chức thương mại Hoa Kỳ rơi vào thế khó xử và Việt Nam sẽ tiếp tục trục lợi. Những “thiên tài AQ” của đảng lại được dịp trơ trẽn khoe khoang thành tích “mượn đầu heo nấu cháo” trong điều hành kinh tế vĩ mô với những con số tăng trưởng GDP và xuất siêu tăng vọt.

Tăng trưởng GDP nhờ vay nợ

Trong khi những con số tăng trưởng luôn Ảo, thì con số Nợ luôn “chân thật.” Ở Việt Nam, việc đảng và nhà nước tiêu tiền như thế nào thì luôn là bí mật quốc gia nhưng Nợ thì sẽ được công khai rõ ràng. Đơn giản là việc tiêu tiền là quyền của đảng nhưng việc trả nợ thì là “trách nhiệm” của toàn dân. Con số nợ công năm 2020 đã lên tới con số 3.600.000 tỷ đồng và sẽ vượt ngưỡng 4 triệu tỷ đồng (4.000.000 tỷ đồng) vào năm 2021.

Nên nhớ, năm 2017, con số nợ này mới là 2 triệu tỷ đồng. Tức là sau 4 năm, Nợ công đã tăng gấp đôi. Nợ tăng trưởng “bền vững” trung bình 25%/năm, gấp gần 4 lần với con số tăng trưởng GDP trung bình trong cùng kỳ.

Số tiền phải trả nợ trực tiếp của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc hiện chiếm tới 25% thu ngân sách. Tức là nếu thu ngân sách năm 2020 chỉ đạt ở mức 1,3 triệu tỷ đồng thì 325.000 tỷ sẽ phải dành trả nợ trực tiếp. Chưa kể những khoản vay bảo lãnh cho các tổng công ty và tập đoàn nhà nước mà chính phủ phải có trách nhiệm trong trường hợp các tập đoàn nhà nước phá sản như đối với Vinashin.

Trong khi đó, chi thường xuyên cho bộ máy khổng lồ “ăn không từ một thứ gì của dân” đã tiêu tốn 1,07 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng việc trả nợ trực tiếp và chi thường xuyên chính phủ đã ngốn hết sạch toàn bộ nguồn thu ngân sách. Tất cả tiền dành cho chi đầu tư, giáo dục… đều trông chờ vào Vay Nợ và nằm trong cơ cấu “bội chi” ngân sách khoảng 319.500 tỷ đến 328.000 tỷ đồng như trong năm tài chính 2020.

Càng ngày, con số tăng trưởng GDP và xuất khẩu càng trở nên ít ý nghĩa khi phần lớn kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối doanh nghiệp FDI, trong khi tăng trưởng phụ thuộc vào bơm tiền và đầu tư công vô tội vạ. Nguồn lực xã hội đổ vào những lĩnh vực không mang lại giá trị gia tăng bền vững cho quốc gia như bất động sản và bị bào mòn bởi quốc nạn tham nhũng chưa bao giờ giảm bớt. Những quả bóng tăng trưởng được bơm lên bởi tham vọng chính trị và thói kiêu ngạo cộng sản sẽ nhanh chóng xì hơi sau khi không thể kiếm đâu cho đủ tiền để đổ vào những cái “hang chuột không đáy” là những tập đoàn và tổng công ty nhà nước mà thực chất là sân sau của giới chóp bu CSVN.

Một dự án hạ tầng ở Việt Nam thường có mức chi phí cao hơn 5-10 lần so với các nước phát triển, thời gian thi công kéo dài có thể nhiều thập kỷ và tuổi thọ công trình thì tùy thuộc vào… thời tiết. Cứ nhìn đường xá, cầu cống, hệ thống truyền tải điện… ở miền Trung qua đợt mưa bão vừa qua có thể thấy hàng trăm km tuyến quốc lộ mặt đường bong tróc, vỡ vụn như bánh đa, hàng ngàn cột điện đổ như quân cờ domino ở Huế chỉ sau một cơn lốc nhẹ… cho thấy chất lượng của những công trình ngàn tỷ, trăm tỷ ở xứ cộng sản nó ra sao.

GDP tăng nhưng đời sống người dân không tăng

Một nghịch lý khác của kinh tế ở Việt Nam là dù tăng trưởng GDP kể từ 2006 tới nay luôn tăng ở mức khá cao >6%/năm, xong đời sống và thu nhập bình quân đầu người gần như không tăng trong 14 năm qua. Người dân không những không có tích lũy mà phải đi vay để chi tiêu. Việc đánh tráo chỉ tiêu GDP/đầu người với thu nhập bình quân đầu người một cách cố ý của nhà cầm quyền nhằm tô vẽ cho “thành tựu” phát triển kinh tế khiến cho đại đa số người dân hiểu lầm về chỉ tiêu này.

Trong nghiên cứu “Phân tích GDP và sự phát triển bền vững về môi trường” Tạp chí Kinh Tế Tài Chính Việt Nam Số 2, 2017 của hai chuyên gia Bùi Trinh và Nguyễn Quang Thái chỉ ra rằng:

“Thu nhập của người lao động từ sản xuất (một nhân tố của GDP) được hiểu bao gồm thu nhập bằng tiền và hiện vật của người lao động trong quá trình sản xuất, hiện nay hằng năm Tổng cục Thống kê (TCTK) không công bố chỉ tiêu này, nhưng dựa vào bảng cân đối liên ngành (input-output table) có thể ước tính thu nhập từ sản xuất chiếm khoảng 53% GDP. Như vậy, GDP bình quân đầu người năm 2016 khoảng 2188 USD, tăng 25% so với năm 2012 (1755 USD), nhưng một điều trớ trêu là trong đó thu nhập từ sản xuất bình quân của người lao động chỉ tăng 1,2% (khoảng 870 USD năm 2016 so với 860 USD năm 2012). Điều này cho thấy phần thặng dư bình quân tăng cao, do nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nên việc thặng dư tăng cao về thực chất không có ích gì nhiều cho Việt Nam mà chỉ có lợi cho nước ngoài.”

“Cũng theo số liệu của TCTK, tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2016 khoảng 1648 USD, điều này có nghĩa khoản thu nhập bình quân đầu người ngoài sản xuất (từ sở hữu và từ chuyển nhượng) là khoảng 778 USD; nếu tỷ lệ giữa thu nhập từ sản xuất so với tổng thu nhập năm 2012 khoảng 74-75% thì đến năm 2016 tỷ lệ này giảm xuống 53%, phần còn lại là thu nhập kiếm được từ ngoài quá trình sản xuất (47%). Như vậy có thể thấy GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là hoàn toàn khác nhau; và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài (FDI) từ khâu sản xuất, lưu thông và phân phối lại.

Lấy một ví dụ để giải thích một cách giản dị nhất là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã đóng góp gần 70 tỷ Mỹ Kim trong báo cáo GDP của Việt Nam trong năm 2019. Nhưng Samsung chỉ đóng gần 200 triệu USD tiền thuế cho CSVN và tạo công ăn việc làm cho khoảng 120.000 công nhân làm việc tại hai nhà máy này.

Tất nhiên, có rất nhiều lợi ích khác nữa như việc Samsung phải mua một lượng lớn tiền đồng để chi trả lương và các chi phí khác ở Việt Nam, góp phần giúp cho nhà cầm quyền CSVN có thể neo giữ tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối. Tuy vậy, không thể nào đem 70 tỷ Mỹ Kim doanh số của SAMSUNG Việt Nam chia đều theo đầu dân số và bảo đó là “thu nhập” của người dân được.

Tăng trưởng GDP tăng nhưng thu nhập thực sự của người dân không tăng. Không những thế, vật giá và các loại thuế phí gián thu như thuế VAT, phí bảo vệ môi trường thu qua tiền xăng dầu, hóa đơn nước, điện …đều nhảy nhót một cách ma quái. Hàng trăm loại thuế phí đánh vào doanh nghiệp và người dân, bào mòn nguồn thu khiến cho doanh nghiệp Việt không thể lớn nổi và người dân bị bần cùng hóa môt cách tinh vi theo “đúng qui trình vặt lông vịt!”

Và đảng tiếp tục “vặt lông vịt”

Cuối cùng, để xử lý núi Nợ xấu đang như quả bom nổ chậm treo trên đầu thể chế thì đáp án vẫn luôn là tăng các loại thuế phí, tăng phát hành trái phiếu, tăng cường vay nợ nước ngoài bằng bất cứ giá nào và cắt giảm hệ thống an sinh xã hội bằng nhiều hình thức. Tức là tăng cường tước đoạt, cướp bóc thêm nhiều hơn nữa.

Đàn vịt 90 triệu con đang bị vặt tới cọng lông cuối cùng trước khi bị mần thịt vẫn nhất định không chịu kêu tiếng nào và bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn tiếp tục lớn tiếng hỏi “các người đã làm gì cho tổ quốc hay chưa?”

Tân Phong