Trump đã làm được những gì ông ấy có thể

Timothy Trinh

Tổng thống Trump đã làm được những gì ông ấy có thể. Mặc dù bốn năm quá ngắn, nhưng đủ thay đổi cái nhìn của người Mỹ và thế giới về tham vọng của bá quyền cộng sản Trung Quốc.

Trước đây, nói đến Trung Quốc là nói đến cơ hội kinh doanh, chủ yếu được coi là một đối tác khó khăn nhưng cần thiết. Đó là cái nhìn của Hoa Kỳ và thế giới trước khi có chính quyền Trump.

Các chính trị gia phương Tây từng được đánh giá cao nếu có khả năng thương thuyết dẫn đến ký kết hợp đồng kinh tế với Trung Quốc. Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, thông thạo tiếng Phổ thông và có thêm tên gọi là Lục Khắc Văn (Lu Kewen; 陸克文), từng vận động với tự hào về khả năng hợp tác với Bắc Kinh, đã thắng cử nhiệm kỳ đầu tiên của ông ta và giữ ghế lãnh đạo đến tháng 6 năm 2016.

Trong cùng năm 2016, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lập luận cho rằng "một Trung Quốc yếu kém, không thể góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu còn nguy hiểm hơn một Trung Quốc mạnh và có khả năng gây hấn." (tạm dịch từ nguyên văn "a weak China that could not contribute to solving global problems was more dangerous than a strong and potentially aggressive China.")

Về mặt trật tự thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, chính sách của Obama thà rằng "Trung Quốc mạnh và có khả năng gây hấn" đã bị Tập Cận Bình khai thác để "góp phần giải quyết" bằng cách xây cất các căn cứ quân sự chuẩn bị cho việc xâm chiếm toàn bộ tài nguyên của vùng lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông.

Về mặt kinh tế, sự lựa chọn "một Trung Quốc mạnh" của chính quyền Obama đã đưa cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng thâm thủng, thiệt hại về phía Mỹ từ 296,3 tỷ USD vào năm 2009 cho đến 462,4 tỷ USD vào năm 2016; và hậu quả tiếp tục kéo dài đến khi Tổng thống Donald Trump khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào đầu tháng 7 năm 2018.

Bốn năm của chính quyền Trump đã thay đổi những điều nói trên.

Ngày nay, Trung Quốc thường được mô tả chủ yếu như một bá quyền bành trướng đang gây bất ổn.

Ngày nay, các chính trị gia Mỹ đều lo sợ bị dính líu đến những giao dịch với Trung Quốc. Họ né tránh hoặc giấu kín bất kỳ mối quan hệ làm ăn với các tập đoàn Trung Quốc như che đậy một vết thẹo của mầm ghẻ lở có khả năng làm sụp đổ sự nghiệp chính trị.

Obama đã phá vỡ tiền lệ của các tổng thống Hoa Kỳ, liên tiếp tham gia các cuộc tấn công tổng thống đương nhiệm Donald Trump; có lẽ Obama không muốn bị lột trần sự chọn lựa "một Trung Quốc mạnh và có khả năng gây hấn" của ông ta là một quyết định quá sai lầm.

Chính sách của Trump đối phó với Trung Quốc có đặc tính toàn diện, trong đó bao gồm việc thực thi quyền tự do hàng hải trên eo biển Đài Loan và Biển Đông; thành lập Bộ Tứ của bốn quốc gia Mỹ Úc Nhật Ấn như một khối NATO mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Hồng Kông trong các sự kiện đòi hỏi tự do, độc lập và nhân quyền; ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế; ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Về mặt kinh tế, chính quyền Trump nhiều lần nhắc đến những sai lầm của các tổng thống tiền nhiệm về việc mở cửa Tổ chức Thương mại Thế giới, World Trade Organization (WTO), cho Trung Quốc gia nhập vào cuối năm 2001. Khi chính phủ tiền nhiệm của Bill Clinton vận động mở rộng thị trường thương mại tự do, họ ngỡ rằng điều đó có thể giúp thay đổi Trung Quốc từ một nước độc tài cộng sản trở thành một quốc gia dân chủ tự do. Clinton đã nằm mơ.

Hoa Kỳ không thể lấy lại chiếc ghế thành viên WTO; điều đó buộc Trump phải sử dụng những phương cách khác, khởi động với quyết định áp thuế trên hầu hết hàng hóa mà Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kết quả cho thấy, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố vào đầu tháng 2 năm 2020, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã giảm mạnh nhất trong năm 2019, chuyển sang các nước khác và thâm hụt cán cân thương mại đã được cải thiện so với mức tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đạt tổng trị giá 451,7 tỷ USD trong năm 2019, giảm 16,2% tức là giảm 87,6 tỷ USD so với năm 2018.

Khi đã ra trận, tính chất của Trump không ngừng lại ở một chỗ.

Trong bốn năm ngắn, các nỗ lực của chính quyền Trump, đặc biệt ghi nhận công sức của Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã liên tục lên án các "bẫy nợ ngoại giao" của sách lược Vành Đai Con Đường; lên án Trung Quốc ăn cắp bản quyền và tài sản trí tuệ; đẩy mạnh sách lược tách rời kinh tế và mang sản xuất ra khỏi Trung Quốc; trừng phạt các công ty Trung Quốc điển hình là Huawei; và gần đây nhất chấm dứt cộng sản Trung Quốc tiếp cận nguồn vốn bằng cách niêm yết công ty trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Chính quyền Trump đã thành công trong việc xác định Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với các lợi ích địa chính trị và địa kinh tế của Hoa Kỳ.

Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Mỹ ngày càng nghi ngờ về ý đồ của Bắc Kinh. Dưới thời Obama, đa số người Mỹ coi hoạt động xây dựng quân sự đang diễn ra của Trung Quốc là một mối quan tâm hơi nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Đến giữa nhiệm kỳ của ông Trump, vào cuối năm 2018, số lượng người Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đã tăng gấp ba lần hơn.

Chỉ có những kẻ ngụy biện một cách mù quáng mới vẩu miệng cho rằng ông Trump đánh Trung Quốc "nhưng chỉ bằng mồm."

Di sản chống Trung Quốc của Trump có được tiếp tục hay không?

Giữa sự hỗn loạn vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống Trump, rất khó nói những điều gì sẽ được cặp Biden/Harris giữ lại vĩnh viễn và điều gì sẽ được giữ lại tạm thời. Tuy nhiên, những thay đổi trong cái nhìn của người Mỹ về bá quyền cộng sản Trung Quốc sẽ giúp cho sách lược châu Á - Thái Bình Dương của Trump có thể tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của ông ấy.

Trong bài phát biểu đầu tiên của Joe Biden với tư cách là tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, ông tuyên bố rằng một nước Mỹ hồi sinh sẽ "dẫn đầu không phải bằng tấm gương về sức mạnh của chúng ta, mà bằng sức mạnh của tấm gương của chúng ta".

Biển Đông là một khu vực đa cực về chính trị, một vùng biển mà rất nhiều quốc gia muốn giữ chủ quyền của mình và tránh rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, đường giao thông hàng hải của tất cả các tàu buôn lớn trên thế giới. Điều đó đòi hỏi một nước Mỹ quan tâm, vì quyền lợi của người Mỹ, để can thiệp như một hậu thuẫn chống lại chủ nghĩa bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Công bằng mà nói, Biden chưa có cơ hội để chứng minh cho bài phát biểu của ông ta bằng những lời thể hiện sức mạnh của Mỹ. Chiến dịch Biden lập luận cho rằng một chính phủ Biden "sẽ tập hợp thế giới tự do và vận động một nửa nền kinh tế thế giới buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những lạm dụng thương mại".

Charlie Lyons Jones, một nhà nghiên cứu của chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia của ASPI, nhận định rằng: "Joe Biden có thể muốn chứng tỏ là một tổng thống có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc được hỗ trợ bởi một chiến lược cạnh tranh và được thực thi tốt."

"Tuy nhiên, những gì nổi lên từ cái nhìn sơ bộ về quá trình chuyển đổi Biden là một chính quyền trông giống với Barack Obama - không thích rủi ro và bận tâm bởi những lo lắng trong nước. Đối với những người Mỹ muốn thấy một quốc gia bị chia rẽ (và bệnh tật) được chữa lành, đó có thể chỉ là những gì bác sĩ yêu cầu. Nhưng đối với các quốc gia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đang sống dưới cái bóng của một Bắc Kinh ngày càng hung hăng, việc phục hồi cách tiếp cận quá thận trọng của chính quyền Obama sẽ là một kết quả tồi tệ," ông Jones nói.

"Nước Mỹ không thể chỉ dẫn đầu bằng sức mạnh của tấm gương của mình. Nó cũng cần dẫn đầu bằng tấm gương về sức mạnh của nó."

Người Đà Lạt Xưa
January 10, 2021.