Đêm Nhạc Từ Thiện NỖI ĐAU MIỀN TRUNG

Đêm nhạc từ thiện hỗ trợ đồng bào miền Trung khởi kiện nhà máy Formosa.
Thứ bảy 25.02.2017 tại München -  Đức Quốc.

Đêm diễn xảy ra trong khoảng thời gian người Việt Nam trong và ngoài nước tổ chức lễ tưởng niệm tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì Hoàng Sa – Trường Sa và đồng bào chiến sĩ tại vùng biên giới phía bắc trước sự xâm lăng và tàn sát của Trung Cộng. Tất cả cùng đứng dậy làm lễ một phút tưởng niệm với lời tri ân cảm động:

• Phút tưởng niệm để tri ân đến 74 chiến sĩ đã hy sinh tại Hoàng Sa vào ngày 19.01.1974. Tinh thần chiến đấu của các anh mãi bất diệt.
• Phút tưởng niệm để tưởng nhớ đến 50.000 đồng bào và chiến sĩ đã ngã xuống trước sự tàn sát của quân Trung Cộng tại sáu tỉnh biên giới phía bắc vào ngày 17.02.1979. Trận chiến ngắn ngủi nhưng tàn khốc. Có những vụ thảm sát rất man rợ, chúng dùng búa và dao chặt phụ nữ và trẻ em ra từng khúc ném xuống giếng hoặc vứt hai bên bờ suối.
• Phút tưởng niệm để tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã hy sinh tức tưởi khi cấp trên ra lệnh không cho nổ súng trước sự tàn sát dã man của Trung Cộng vào ngày 14.03.1988.

Hoàng - Trường Sa đã mất, nhưng tinh thần hy sinh vì dân tộc của các anh mãi mãi trường tồn. Hôm nay, chúng tôi, những người con xa xứ hướng về biển Đông và vùng biên giới, nơi các anh đã chiến đấu và hy sinh, để tưởng nhớ và tri ân.

Tiếp nối phút tưởng niệm tất cả đồng thanh hát vang rất khí thế:
„Trường Sa là máu của ta.
Hoàng Sa là thịt của ta.
Đất nước ta là xương là máu ông cha để lại.
Quân bành trướng đừng mong xâm lấn.
Kia, còn bao mồ chôn quân Tống.
Hỏi quân thù?
Hỏi quân thù còn nhớ hay không?...“

Lê Phú dịu dàng trong tà áo dài giới thiệu Video về đồng bào miền Trung biểu tình phản đối công ty thép Formosa và hành trình khởi kiện với hai đoàn của L.m Đặng Hữu Nam và L.m. Nguyễn Đình Thục bị nhà cầm quyền đàn áp, đánh đập tàn bạo. Máu đồng bào miền Trung đã đỗ trên hành trình đi tìm công lý.

Formosa vẫn sừng sững, vẫn cứ tiếp tục thải chất độc ra biển dưới sự bao che bưng bít của nhà cầm quyền, bởi chúng đã được ăn ngập đầu nên chỉ còn cách là đàn áp và bắt bỏ tù những ai chống Formosa.
„Chúng ăn vuông ăn méo ăn tròn
Chúng ăn to ăn bé cỏn con
Chúng ăn trên ăn dưới ăn ngang
Cho mặc người ai thở ai than.“

Một liên khúc „Biển động“ Tuấn Khanh và „Chúng đi buôn“ Phan Văn Hưng qua tiếng đàn và giọng ca Vũ Phong lột tả phần nào nổi khổ ngư dân và lòng không đáy của quan tham. Quặng đau thêm hai ca khúc „biển chết“ sáng tác Cáp Anh Tài qua tiếng hát Bích Huyền và „Cá chết miền Trung“ của nhạc sĩ Trần Chí Phúc với giọng ca Vĩnh Điệp. Miền Trung đang thanh bình cát trắng trãi bờ êm, thì bỗng đâu đau thương tràn đến, xác cá loang đầy biển miền Trung. Bữa cơm quê nghèo miền Trung lại chan thêm dòng lệ.

"Biển xanh nuôi sống bao gia đình người dân.
Chiều nay tê tái bao con thuyền nằm im phơi.
Hận bọn người thải ra độc chất,
Bọn giặc thù làm cho biển chết,
Tan nát quê hương, muôn người lầm than."

Bọn giặc thù muốn đầu độc nhân dân, bọn Trung Cộng muốn bành trướng biển đông, quân xâm lăng đang tràn đầy nước Việt. Lịch sử dân tộc Việt Nam hơn bốn ngàn năm chưa bao giờ khuất phục ngọai xâm. Trang sử hào hùng dân tộc chống giặc Tàu còn vang dội: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Chiến thắng oanh liệt của Ngô Quyền tại Bạch Đằng Giang... Danh tướng Lý Thường Kiệt và bài thơ thần còn vang vọng:

„Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư“

Thế nhưng, những sinh viên, thanh niên, nhân sĩ yêu nước xuống đường phản đối Trung Cộng xâm lược, lên tiếng để bảo vệ quê hương hay người dân trong nước thắp lên nén hương, dâng lên nhành hoa tri ân những chiến sĩ hy sinh vì Hoàng Sa – Trường Sa thì bị ngay chính chế độ lảnh đạo đất nước bắt bỏ tù. Việt Nam từ ngàn xưa đến nay chưa có một thể chế chính trị nào mà vô ơn đến như vậy. Trên thế giới chưa có một dân tộc nào bội bạc đến như vậy và cũng chưa có một quốc gia nào phi dân tộc đến như vậy! „Con đường Việt Nam“ một sáng tác của NTLT viết về người tù lương tâm nói chung và viết riêng về cuộc đời của anh Trần Huỳnh Duy Thức đang còn trong ngục tối. „Trong bóng tối trại giam nơi cầm tù những người có tội

Nhưng trớ trêu tình đời có những người đi tù vì Quê Hương“ được trình bày qua ba tiếng hát Vĩnh Điệp, Quốc Nam, Sĩ Sáng. Trong trại giam, anh hay tin mẫu thân qua đời, anh xin về quấn vành khăn tang, nhưng nhà cầm quyền không chấp nhận, anh đành nén nổi đau thương và nuốt những dòng lệ tủi hờn. Tiếp nối là „Tình mẹ“ cảm động qua tiếng hát dạt dào Thu Hà và ca khúc „mẹ“ tiếng hát sâu lắng thiết tha của bé Đức Minh. Những ca khúc miền Trung tiếp nối „Mưa chiều miền Trung“, „Biển cạn“, „Thương Lắm Miền Trung“, „Quê em mùa nước lũ“, „Bạn Tôi“, „Miền Trung máu chảy ruột mềm“ với những giọng ca: Thiên Thanh, Anh Hữu, Diệu Miền, Nguyễn Hiền, Quang Thắng.

„Xót xa“ ca khúc nhạc sĩ Jazzy Dạ Lam sáng tác riêng cho chương trình sau khi đọc bài thơ của Lê Phú viết về cuộc hành trình khởi kiện của Linh mục Nguyễn Đình Thục cùng hơn 600 giáo dân, ngư dân miền Trung bị đàn áp đánh đập tàn bạo.
„Hãy gấp trang báo và tắt TiVi“ một sáng tác mới của nhạc sĩ Tuấn Khanh được thể hiện bởi hai giọng ca sống động Quốc Nam và Vĩnh Điệp. Ca khúc lên án những tin tức mị dân trên báo chí và truyền hình. Đồng thời cũng lên án những ngòi bút bẻ cong viết sai sự thật, trái lương tâm, vô đạo đức.
„Trả lại thời gian“, „Sương Lạnh Chiều Đông“, „Riêng một góc trời“ nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Những tràng pháo tay nồng nhiệt khán giả dành cho ca sĩ trẻ Đức Tiến, lần đầu tiên biểu diễn tại sân khấu München. Giọng ca được nhiều khán giả yêu mến nhất trong đêm với chất giọng đặc sắc qua hai ca khúc „Chị ơi“ và „Tình em xứ Quãng“.

„40 năm rồi sao“ 40 năm qua nhanh như cơn gió thoảng, quê hương mình ngày càng đổ nát điêu linh. Ca khúc được thể hiện qua giọng ca lắng đọng Bích Huyền đến từ Nuernberg. „Tôi thấy tôi về“ trong ngày vui lớn của quê hương, nhạc Phan Văn Hưng với tiếng đàn và giọng hát du dương Vũ Phong đến từ Stuttgart.

Cuối chương trình với những ca khúc hòa âm vui tươi „thì thầm mùa xuân“, „biển tình“„Đã không yêu thì thôi“, „Hoa cài mái tóc“, „Sẽ hơn bao giờ hết“, „Đêm huyền diệu“ với những tiếng hát vững vàng Tâm Thủy, Tuyết Phương, Julie Kim, Nguyễn Hiền như một lời chúc khán giả ra về vui vẻ, một giấc ngủ ngon với mộng đẹp cho quê hương Việt Nam mau chóng đổi thay.

Ban nhạc NTVN gồm: Key Nguyễn Trung Việt, Anh Khoa; Guitar Quỳnh Thuyên; Trống Vĩnh Trinh, Bass Quang Thắng đã chơi một đêm thật tuyệt vời, hầu như không có một sai sót nào cả một chương trình bốn tiếng đồng hồ.

Đêm nhạc đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ khán giả cho đến người tham gia. Đó là một lời động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục với những chương trình tương tự. Chúng tôi cũng cảm thấy tự hào đã góp một chút công sức cho đồng bào miền Trung ruột thịt thân yêu của chúng ta đang gặp cảnh lầm than.

Tổng số tiền thu được sau khi trừ mọi chi phí là 3.905,00 Euro

Tất cả số tiền này chúng tôi sẽ gởi về cho hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục.

Một lần nữa BTC chân thành cám ơn sự tham gia, sự đóng góp của tất cả anh chị em ban nhạc , ca sĩ, những cô chú anh chị ban ẩm thực, trang trí, trật tự...những mạnh thường quân, đặc biệt đông đủ khán giả yêu mến của chúng tôi. Điều quan trọng hơn sự đóng góp vật chất của chúng ta cho đồng bào miền Trung, đó là sự đóng góp tinh thần của qúy vị giúp cho đồng bào thêm lòng can đảm đi tìm công lý buộc kẻ đầu độc có những bồi thường thỏa đáng và cút khỏi đất nước Việt Nam.

“Trả cho tôi đây con sóng chan hòa,
Miền Trung đơn sơ nhưng êm ấm những mái nhà.
Trả cho tôi cát trắng xóa bàn chân,
Xa khơi con thuyền mang về đầy khoang cá tôm“.
(Biển chết – Cáp Anh Tài)

HỒ SĨ SÁNG
Đạo diễn Sân khấu