Đón xuân nầy, nhớ xuân xưa

Việt Tân
 
Nhớ ngày xưa, thời trước 1975, năm nào chị em chúng tôi cũng về quê ăn Tết vào ngày 28 Tháng Chạp và trở xuống Sài gòn đi học, đi làm lại vào ngày mồng 6 Tết. Còn nhớ như in trong đầu, Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi đón xe đò về quê, ngoại Thành Sài Gòn, nơi gia đình Ba Má và bà Ngoại sống hơn nhiều thập niên.
 
Chúng tôi bận rộn cả ngày, phụ Ba dọn dẹp bàn thờ, chùi lư hương, quét dọn trong ngoài, riêng tôi và chị Ba phụ giúp Má và Ngoại nấu nướng cho buổi cúng đón Ông Bà cuối năm. Ba dựng cây nêu bằng cây tre thật dài, trên đó Ba treo rất nhiều tràng pháo dài tới đất, thỉnh thoảng chêm vào vài trái pháo đại nổ thật to điếc con ráy. Ba tôi thích đốt thật nhiều pháo vào đêm giao thừa vì ông nói tiếng pháo đêm trừ tịch sẽ xua đuổi ma quỷ đến quấy phá con người. Giờ giao thừa đã đến, ba khấn vái và châm ngòi, tiếng pháo nổ giòn giã tưởng như không bao giờ dứt. Nhà tôi nổi tiếng đốt pháo nhiều và tiếng pháo nhà tôi sẽ lâu nhất, chấm dứt sau cùng trong cả làng. Cả nhà ngạc nhiên khi tiếng pháo nhà dứt thì vẫn còn nghe nhiều tiếng pháo khác tiếp tục nổ. Thật sự đó là tiếng đạn giao tranh giữa quân đội VNCH và Việt cộng.


 
Chính quyền miền Bắc đã tuyên bố trước tiên, tự nguyện ngưng bắn từ 28 tháng Chạp đến Mùng 5 Tháng Giêng Mậu Thân.
 
Chính quyền miền Nam VNCH sau đó cũng tuyên bố ngưng bắn từ mồng 1 đến Mùng 3 Tết Mậu Thân.
 
Sau tuyên bố trên, phần lớn các quân nhân VNCH được nghĩ phép ăn Tết, lệnh giới nghiêm trên toàn miền Nam được bãi bỏ. Lợi dụng điều này, VC đã ra lệnh tấn công trên khắp thành phố lớn của miền Nam, vào chính thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, lúc mọi người cầu chúc nhau những điều tốt đẹp cho một năm mới sắp tới.
 
Tối hôm đó, cả nhà tôi chui trốn dưới hầm, được đào dưới tấm ván gõ dầy hơn một tấc, đạn thường khó xuyên qua được. Cả nhà lo sợ bồn chồn vì lúc đó đã biết đó là tiếng súng khi ba tôi mở radio và biết đài phát thanh bị VC chiếm. Lo sợ và bất lực khi nghe tiếng ông Hai ở cạnh đất nhà la kêu cứu thất thanh mà má tôi ôm chặt Ba tôi lại không cho chạy ra ngoài tiếp vì sợ đạn lạc. Ba má ân hận tự trách suốt mấy năm sau vì ông Hai đã chết trong đêm đó. Ba tìm mọi cách sắp xếp cho chúng tôi về lại Sài gòn vì vùng quê tiếp tục giao tranh khốc liệt. Trên đường về lại Sài Gòn, nhiều hình ảnh chết chóc của dân lành nằm dọc đường khiến chúng tôi hoảng sợ vô cùng.


 
Điều đáng nói ở đây là chưa bao giờ thấy Việt Cộng hối lỗi trước các tội lỗi giết đồng bào mình mà vẫn tiếp tục nói về biến cố Mậu Thân như một chíến thắng lừng lẫy để tổ chức ăn mừng hàng năm. Cái chế độ này có xứng đáng cai trị Việt Nam hay không khi bản chất của nó là gian manh, lọc lừa, giết dân không thương tiếc, không chùng tay. Ngày nào còn Việt cộng, những cái Tết thanh bình, hiền hòa yên vui sẽ không bao giờ có được.
 
Tâm Hà