Giải pháp nào cho Ukraina?

Tổng thống Nga Putin và chiến thuật nước đôi tại Ukaina

Liệu thỏa thuận giải quyết khủng hoảng bất ngờ đạt được tại Genève sẽ mở ra lối thoát cho Ukraina ? Mặc dù một tia hy vọng lóe lên từ chiều hôm qua sau 6 giờ đàm phán bốn bên (Nga, Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Ukraina), tại hiện trường tình hình không có dấu hiệu xuống thang, trong khi ở Matxcơva, Vladimir Putin vẫn đóng vai trò « lính cứu hỏa đốt lửa ».

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình Nga, ngày 17/04/2014 - REUTERS

Thỏa thuận đạt được hôm qua được giới truyền thông quốc tế đánh giá là bất ngờ vì sau 6 giờ đàm phán, Ngoại trưởng Nga cùng với đồng sự Hoa Kỳ, Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu đồng ý một tiến trình giải quyết một vụ bế tắc hiện nay đang đặt thế giới trước ngưỡng cửa tái diễn chiến tranh lạnh.

 

Thật ra, thỏa thuận này tuy dự trù các biện pháp giải giới các toán võ trang « bất hợp pháp » và trả lại các cơ quan công quyền cho nhà nước nhưng hoàn toàn không có một lịch trình thi hành.

Do vậy, Hoa Kỳ hoài nghi thực tâm muốn hòa hoãn của Tổng thống Nga.

Ngoại trưởng John Kerry đến Tổng thống Barack Obama đều tỏ thái độ thận trọng « chờ kết quả » cụ thể trên hiện trường. Thế mà trên hiện trường, phe thân Nga đang chiếm đóng nhiều cơ quan hành chính tại miền đông Ukraina , ngay lập tức, tuyên bố không bị trói buộc phải tôn trọng thỏa hiệp.

Liệu những thành phần nói tiếng Nga tại Ukraina đang chiếm đóng nhiều khu phố ở miền đông Ukraian và công khai kêu gọi Putin gửi quân sang « cứu giúp » có thể hành động mà không có đèn xanh của Matxcơva ?

Giới phân tích Tây phương vẫn xem Putin là « thanh tra phòng cháy, chữa cháy nhưng lại là người phóng hỏa » không phải và không có cơ sở.

Hôm qua, 17/04/2014, trong lúc Ngoại trưởng Serguei Lavrov, đại diện lập trường bất di bất dịch đòi hỏi quyền lợi của Nga tại Ukraina,đàm phán tại Thụy sĩ thì ở Matxcơva, chủ nhân điện Kremli trổ tài đi dây vừa dọa nạt, vừa xoa dịu Tây phương.

Trong một màn trình diễn trả lời trực tiếp câu hỏi của người dân trên 4 tiếng đồng hồ, Tổng thống Putin phủ nhận các thông tin Nga giựt dây, tổ chức các cuộc bạo loạn tại Donetsk và Slaviansk, nhưng lại nhìn nhận là các đơn vị đặc biệt của Nga đã có can thiệp vào Crimée cách nay hơn một tháng.

Nhưng liền sau đó, ông lại trấn an Hoa Kỳ và Châu Âu nào là « kịch bản của Crimée sẽ không tái diễn tại miền đông Ukraina » nào là quân Nga sẽ không tràn qua biên giới vì Crimée không giống đông Ukraina (58% người Nga tại Crimée, 38% tại Donetsk).

Ông Putin lý giải là Thượng viện Nga cho phép Tổng thống đưa quân sang Ukraina nhưng ông « hy vọng » sẽ không sử dụng pháp quân sự mà để cho « các nỗ lực ngoại giao và chính trị » tìm kiếm giải pháp. Trong cuộc trình diễn truyền hình này, đây là cử chỉ « xuống thang » duy nhất mà Putin nhắn gửi Tây phương nhưng Washington và Bruxelles xem đấy là những lời đe dọa gián tiếp. Tiếp theo đó, chủ nhân điện Kremli phủ nhận tính chính đáng của chính phủ lâm thời Ukraina, tiếp tục đòi Kiev cải cách Hiến pháp, biến Ukraina thành một « liên bang » hay theo chế độ « tản quyền » trước khi bầu Tổng thống ngày 25/05 tới. Trong mọi trường hợp, Putin không muốn Kiev bổ nhiệm nhân sự làm lãnh đạo các thành phố ở miền đông Ukraina.

 

Theo giới phân tích, chương trình trả lời thắc mắc của người dân đã được ông Putin đạo diễn theo một kịch bản xuyên suốt. Sau khi « trách » liên minh Bắc Đại Tây dương « đẩy » ông vào thế « phải sáp nhập Crimée » vào nước Nga, Tổng thống Putin trả lời câu hỏi của nhà báo truyền hình nổi tiếng kỳ thị và hiếu chiến Dmitri Kissilev (được ông Putin bổ nhiệm làm giám đốc hãng thông tấn Ria Novosti) qua những tuyên bố bốc lửa như « đốt tim bọn đồng tính » hay « tiêu hủy nước Mỹ ». Bị Liên Hiệp châu Âu cấm visa, Dmitri Kissilev than phiền « bị NATO làm ngạt thở », Tổng thống Nga trả lời với nụ cười : « Anh đừng sợ, chính chúng ta mới làm cả thế giới này chết ngạt ».

Liệu chủ nhân điện Kremli có thành công hay không ? Trong lịch sử Châu Âu đã hơn một lần có một nhân vật từng suy tính như vậy. Điều chắc chắn là Tổng thống Nga đang muốn làm chủ nhân ông trong hồ sơ Ukraina. Bằng sức mạnh hay bằng bắt chẹt.

Nguồn: Tú Anh RFI

******

Vladimir Putin: Người thắng thế trong vụ Ukraine
 

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Cuộc đối thoại 4 bên - Mỹ, Nga, Liên Âu, Ukraine  - tại Geneva hôm Thứ Năm đã đi đến thỏa thuận cố gắng làm giảm căng thẳng trong thế đối đầu ở Đông Âu,  nhưng chưa phải là đã có thể dễ dàng và mau chóng kết thúc vụ khủng hoảng trầm trọng nhất tại Âu Châu kể từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Các phóng viên theo dõi buổi hội thoại của Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm Thứ Năm tại Moscow. (Hình: AP/Pavel Golovkin)
 

Nhưng, một cách khách quan, phải thấy là Tổng Thống Nga Vladimir Putin cho đến nay đang thắng thế qua các diễn biến của vụ khủng hoảng

Trước hết, ông ta không hoàn toàn bị động mà nắm được quyền chủ động trong thế đối đầu với Tây Phương, một liên minh không dễ dàng có sự  đồng thuận trong tất cả mọi vần đề vì những lợi ích khác biệt của các thành viên. Người ta không tin là trong thời đại này có thể xảy ra chiến tranh, nhưng nếu buộc phải cần sử dụng biện pháp quân sự vào một lúc nào đó thì chỉ Nga, chứ không phải Liên Âu, có thể quyết định.

Quan trọng hơn nữa, mục tiêu lâu dài của Putin là tái tạo vai trò cường quốc mà nước Nga đã mất từ khi Liên Xô sụp đổ, bây giờ đang được dần dần thể hiện. Người dân Nga tán đồng đường hướng này và các thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy uy tín của Putin trong nước lên rất cao. Sự công kích của phe đối lập, những phê phán về dân chủ, nhân quyền từ hơn một năm trước đây, bây giờ đã không còn là đề tài hàng đầu, và vị thế chính trị của ông ta trong nước Nga đang vững vàng hơn bao giờ hết.

Mặc dầu vẫn mạnh mẽ lên án Nga về hành động sát nhập Crimea, nhưng  Tây Phương không còn phương cách nào để đảo ngược tình thế và trên thực tế sẽ đi đến chỗ phải thừa nhận một việc đã rồi. Mối lo lắng nhất của Tây Phương bây giờ là làm sao bảo vệ những phần còn lại của Ukraine.

Nga không bao giờ muốn Ukraine là thành viên của Liên Âu hay gia nhập NATO. Đằng sau lập luận là việc này có thể tạo nên mối đe dọa cho an ninh quốc gia mình, tham vọng chính của Nga vẫn là duy trì vai trò khống chế trên toàn khu vực Đông Âu.

Do ảnh hưởng hay áp lực của Tây Phương, từ đầu năm nay Ukraine đã đi một nước cờ rủi ro, khởi đầu bằng phong trào biểu tình chống chính quyền Tổng Thống Viktor Yanukovych, và đòi hỏi hợp tác chặt chẽ với Liên Âu. Hậu quả của hành động không đúng chỗ đúng lúc này của Ukraine là đã làm mất Crimea một cách dễ dàng và tạo hoàn cảnh đưa đến nguy cơ ly khai của các phần đất phía Đông. Trong tình hình ấy,  tương lai của những cuộc đàm phán tại Geneva chưa chắc đã hoàn toàn phục vụ cho lợi ích của Ukraine, mà mục tiêu chính sẽ là ổn định tình thế tại khu vực Đông Âu trong điều kiện thực tế không thể ngăn chặn được vai trò của Nga ở đây.

Hôm Thứ Năm, Tổng Thống Vladimir Putin  có một chương trình hội thoại trên truyền hình toàn quốc, trao đổi ý kiến, hỏi và đáp, với dân chúng Nga. Buổi đầu tiên trong năm 2014 này diễn ra trong thế đối đầu căng thẳng với Tây Phương và tình hình căng thẳng ở khu vực miền Đông Ukraine, ngay sau khi xảy ra vụ 300 phần tử ủng hộ Nga tấn công vào một doanh trại vệ binh Ukraine ở Mariupol và 3 người bị bắn chết.

Ông Putin tỏ ra rất tự tin và vững vàng trong cuộc trao đổi kéo dài 3 giờ 55 phút. Các phóng viên ghi nhận là chỉ có một lúc ông tỏ ra không hài lòng và đề nghị cử tọa đừng sử dụng tiếng “người từ hành tinh khác” (little green men) để gọi các binh sĩ lực lượng đặc biệt đã nắm quyền kiểm soát Crimea trước ngày trưng cầu dân ý.  Đây là lần đầu tiên ông xác nhận những binh sĩ võ trang đầy đủ, bịt mặt và không mang phù hiệu là của Nga. Theo lời ông, đó là những quân nhân “hành xử lịch sự nhưng chuyên nghiệp và quyết tâm”, cần thiết cho cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành có an ninh trật tự. Ông cũng không ngần ngại xác nhận rằng sự sát nhập Crimea là cần thiết đối với cái mà ông gọi là ý đồ thâu nhận Ukraine làm thành viên NATO.

Tổng Thống Putin tuy nhiên phủ nhận là có lực lượng đặc biệt Nga đang hoạt động ở miền Đông Ukraine, nơi những nhóm thân Nga đã chiếm giữ nhiều cơ quan chính quyền. Theo ông, Nga có quyền đưa quân vào Ukraine để bảo vệ dân Nga, nhưng hiện nay chưa cần thiết và ông hy vọng những cuộc đối thoại đang diễn ra ở Geneva sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Tuy vậy  ông Putin coi Đông Ukraine là Novorossiya nghĩa là nước Nga Mới, tên gọi trong lịch sử của đế quốc Nga từ thế kỷ thứ 18. Ông nói rằng miền đất này đã được những người Cộng Sản Boshelviks trao cho Ukraine hồi thập niên 1920, và “chỉ có Trời mới hiểu vì sao”.

 

Một phụ nữ lớn tuổi gọi điện thoại vào hỏi vậy Nga có ý định lấy lại Alaska, xưa kia cũng là đất thuộc đế quốc Nga Hoàng cho đến năm 1867, hay không. Ông Putin sau khi giải thích là Crimea có tầm quan trọng chiến lược với những cảng biển nước ấm, nói với người đặt câu hỏi: “Bà Faina Ivanovna, tại sao chúng ta cần Alaska? Nơi ấy lạnh lắm!” Ông nói thêm rằng biết Alaska được dân Nga gọi đùa là Ice Cream, đọc lên tương tự như Krym, tiếng Nga chỉ Crimea.

Có tất cả 81 câu hỏi đặt ra ở cuộc hội thoại trên truyền hình của Tổng Thống Putin, trong đó 35 câu là về vấn đề Ukraine. Edward Snowden, người tiết lộ chương trình do thám của NSA và đang được Nga tạm thời cho tị nạn, gởi một câu hỏi qua video yêu cầu cho biết Nga có những chương trình như vậy không. Tổng Thống Putin trả lời là không, vì Nga không có tiền và kỹ thuật để thực hiện việc theo dõi rộng lớn như thế. Trước khi giải thích chi tiết, ông Putin nói: “Ông Snowden, ông là một cựu gián điệp, và tôi cũng đã có những liên hệ với công tác tình báo, như vậy chúng ta có thể nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ chuyên nghiệp...”.

Trong buổi hội thoại, Tổng Thống Vladimir Putin cũng có hai dịp nói tới mối quan hệ của Nga  với Hoa Kỳ và Liên Âu. Theo ông sự tin cậy giữa Hoa Kỳ và Nga đã sút giảm lớn nhưng đó không phải do lỗi của Nga. Ông nói: “Tôi dồng ý rằng niềm tin đã bị suy yếu đi rất nhiều. Nhưng tại sao như vậy? Chúng tôi tin là tình trạng này không do lỗi nơi chúng tôi”. Với Liên Âu, ông Putin nói rằng Nga không có ý định là hư hại các quan hệ với những đối tác Âu Châu và “hy vọng rằng đó cũng không phải là đường lối của Liên Âu”

Thỏa thuận sơ khởi đạt được tại Geneva hôm Thứ Năm về việc làm giảm tình hình căng thẳng là một kết quả khá đột ngột. Tổng Thống Obama tỏ  ra hoài nghi việc Nga sẽ tuân hành nghiêm túc thỏa thuận ấy. Trong một buổi họp báo không dự tính trước tại tòa Bạch Ốc sáng Thứ Năm,  ít giờ sau khi hai Ngoại Trưởng Nga – Mỹ kết thúc cuộc hội đàm ở Geneva, Tổng Thống Obama, tuyên bố: “Hy vọng của tôi là chúng ta thật sự thấy mọi chuyện tiến triển suông sẻ”.

Trước đó Tổng Thống Obama và Phó Tổng Thống Biden đã trao đổi ý kiến qua điện thoại với Thủ Tướng Anh David Cameron và Thủ Tướng Đức Angela Merkel cùng nhiều nhà lãnh đạo Tây và Đông Âu khác. Tòa Bạch Ốc đưa ra một thông cáo xác định rằng các nhà lãnh đạo đều đồng ý sẵn sàng chuẩn bị thi hành thêm những biện pháp trừng phạt khác nếu Nga không “xuống thang căng thẳng trong một thời gian ngắn sắp tới”.

Tổng Thống Obama cũng đề cập tới việc hàng ngàn quân Nga đang tập trung gần biên giới phía Đông Ukraine có tính cách hăm dọa. Ngược lại, Nga lập luận rằng quan trọng nhất là từ ở Ukraine, nếu chính quyền nước này không khích động dân chúng có những hành động chống Nga và không tìm cách lợi dụng các bất đồng quan điểm Đông – Tây cho lợi ích riêng của mình.

******

Cuốn Phim Âu Châu Đã Cũ

Hùng Tâm/Người Việt

Điểm lại những đòn công thủ của Nga và Tây phương

Cuối tuần qua, một số người võ trang, có thể với sự yểm trợ của đặc công Nga, đã chiếm đóng nhiều công thự của Ukraine tại ít ra là sáu tỉnh miền Đông, kể cả Donetsk, Kharkiv và Mariupol.

* Hình hý họa về Georgia: Cha con đều... hỗn như gấu, và Tây phương là con bò *

Trước sự thể đó, Chính quyền lâm thời Ukraine tại thủ đô Kyiv ra lệnh giải phóng các trụ sở bị chiếm đóng và nói tới nguy cơ chiến tranh. Từ Moscow, Thủ tướng Nga là Dmitri Medvedev thì cảnh báo, hay hăm dọa, về rủi ro nội chiến tại Ukraine. Qua Thứ Ba, binh lính Ukraine đã lần đầu tiên nổ súng quanh phi trường của thành phố Kramatork trong khi đã xuất hiện nhiếu thiết giáp dưới cờ Nga ở trong lãnh thổ Ukraine ở miền Đông. Tùy viên báo chí Phủ Tổng thống là Jay Carney, hôm Thứ Hai 14, cho biết là Chính quyền Barack Obama đang lượng định tình hình và sẽ tham khảo ý kiến các đối tác về biện pháp ứng phó. Hôm sau thì Mỹ ngợi ca việc Ukraine sử dụng võ lực một cách dè dặt, chỉ để tự vệ...

Khi thời sự dồn dập tường thuật như vậy, giới quan sát quốc tế cho là đôi bên, Liên bang Nga và các nước Tây phương, đang bước vào một cuộc chiến tranh cân não trước khi có cuộc họp vào ngày Thứ Năm 17. Sự thể không ngắn ngủi và thu hẹp như vậy.

Vì thế, "Hồ Sơ Người-Việt" nhìn rộng ra toàn cảnh và lượng định lại tình hình qua những lần Nga can thiệp bằng quân sự vào các nước lân bang.

 

Can Thiệp vào Vùng Baltic và Uy Hiếp Lithuania

 

Nhìn vào tấm bản đồ, ai cũng có thể thấy Hải quân Nga chỉ có một vùng thông thương tiện lợi là qua vùng biển Baltic ở phía Bắc. Tại khu vực Viễn Đông, Nga gặp trở ngại và đã từng bị Nhật Bản chặn đường và khuất phục trong trận chiến Nhật-Nga năm 1905. Vì vậy, sau Thế chiến II, Liên bang Xô viết đã thôn tính ba quốc gia độc lập vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania.

Trong 40 năm thời Chiến tranh lạnh, người dân tại ba nước này vẫn nhất quyết tuyên bố độc lập, trước sự thờ ơ bất lực của Tây phương.

Khi Liên Xô trôi vào khủng hoảng, từ năm 1985, Chủ tịch Mikhail Gorbachev tiến hành cải cách (qua hai chính sách gọi là glasnost và perestroika). Xứ Lithuania bèn tìm cách thoát khỏi quỹ đạo Nga vào năm 1988. Khởi đầu là phong trào ủng hộ việc cải cách của Gorbachev (lấy tên là Sajudis) với mục tiêu thật là khôi phục bản sắc văn hóa Lithuania, và công khai hóa mật ước chia vùng ảnh hưởng giữa Liên Xô với Đức Quốc Xã theo đó xứ Lithuania đã bị Nga thôn tính.

Được dân chúng hậu thuẫn, phong trào Sajudis bắt trớn cho việc Lithuania đòi tuyên bố độc lập năm 1990. Trước sự xoay chuyển dồn dập ấy, Liên Xô bắt đầu phản ứng qua ba bước là 1) phong toả kinh tế Lithuania, 2) từ đầu năm 1991, lập ra phong trào Yedinstvo ủng hộ Xô viết và biểu tình phản đối chính quyền Lithuania tại thủ đô Vilnius; 3) vài ngày sau thì đưa lực lượng bán võ trang vào bảo vệ dân biểu tình và chiếm đóng nhiều công thự của Lithuania, dưới khẩu hiệu "Cứu Quốc". Súng đã nổ và máu đã đổ, 14 người thiệt mạng khi lính Xô viết chiếm đài truyền hình Vilnius....

Nhưng thời đó, Liên Xô đã kiệt quệ và biến động quân sự tại Vilnius gây phản ứng ngược về nhà, khiến chế độ Xô viết còn tan rã nhanh hơn. Tháng Chín năm 1991, Lithuania tuyên bố độc lập trước sự bất lực của Moscow.

Ba bước can thiệp của Liên Xô thời ấy có thể là cơ sở cho việc lượng định chuyện Crimea và Ukraine thời nay. Và ta nên suy ngẫm về những gì Liên bang Nga có khả năng tác động trong vùng Baltic. Khác biệt thời nay là cả ba nước Cộng hoà Baltic đều là thành viên của Minh ước NATO, còn Ukraine thì chưa.

 

Can Thiệp Vào Moldovia Vì Transdniestria

 

Moldovia là một nước nhỏ, nằm kẹt giữa Ukraine và Romania, có một dải đất hẹp ở phía Đông là Transdniestria được quy chế tự trị và nói tiếng Nga, trong khi dân Moldovia nói tiếng Romania. Dải đất Transdniestria lại tiếp cận với Ukraine và giáp giới với đất Odessa do Nga kiểm soát.

Khi Liên Xô bị khủng hoảng, tinh thần quốc gia Moldovia dẫn tới phong trào bảo vệ bản sắc văn hóa và ngôn ngữ, để thay tiếng Nga và nếp cai trị Xô viết từ Tháng Tám năm 1989. Trong nội bộ có nhiều mâu thuẫn và thậm chí xung đột giữa người Moldovia nói tiếng Romania và người Slav nói tiếng Nga. Nơi đụng độ mạnh nhất là khu vực tự trị Transdniestria, với các nhóm "dân quân tự vệ" được Moscow yểm trợ và có hậu thuẫn của những nhóm "thiện nguyện" người Nga và người Ukraine theo Nga, ở bên kia biên giới.

 

Đầu năm 1990, dân chúng tại Transdniestria tổ chức trưng cầu dân ý bên trong Cộng hoà Xô viết Moldovia và 96% ủng hộ việc ly khai để theo Nga. Qua năm 1991, Liên Xô đưa quân đồn trú tại Transdniestria tấn công các đơn vị Moldovia rồi dàn xếp "ngưng bắn" giữa Moldovia và dân quân Transdniestra kể từ 1991.

Từ năm 1992, coi như Moldovia mất luôn Transdniestria, vùng đất vẫn được Liên bang Nga yểm trợ về quân sự lẫn tài chánh và có thể tự xưng là Cộng hoà Transdniestra.

Ngày nay, sau khi thôn tính Crimea và khuynh đảo xứ Ukraine, Nga có lợi thế địa dư chính trị là từ đất Odessa của Ukraine và Transdniestria của Moldavia (đều do Nga kiểm soát) mà gây áp lực với Moldovia, một quốc gia cũng có ý muốn hội nhập vào Âu Châu y như Ukraine. Nhưng trở ngại của Tổng thống Vladmir Putin là 1) chưa có một lực lượng thân Nga đủ mạnh bên trong Moldovia và 2) nếu dùng biện pháp quân sự thì phải giải quyết bài toán tiếp vận qua lãnh thổ Ukraine ở hướng Tây, là chuyện không dễ, và 3) gây phản ứng phòng thủ dữ dội hơn của các nước lân bang với Moldovia. Với Putin, giải pháp kinh tế, phong tỏa năng lượng của Moldovia có thể là rẻ và dễ hơn.

 

Tấn Công Georgia Nhờ Abkhazia và Nam Ossetia

 

Từ Bắc xuống Nam, từ vùng Baltic đến Moldovia, người ta thấy Liên Xô rồi Liên bang Nga sử dụng cả chính trị, kinh tế lẫn quân sự để can thiệp vào các nước từng nằm trong quỹ đạo Xô viết. Cộng hòa Georgia không thoát khỏi số phận đó, khi bên trong cũng lại có hai khu vực tự trị là Abkhazia và Nam Ossetia. Người dân nơi đây có khác biệt văn hóa và sắc tộc với dân Georgia.

 

Khi Gorbachev phải tiến hành cải cách để cứu vãn chế độ, người dân Georgia không để lỡ cơ hội khôi phục tinh thần quốc gia và vận động phong trào độc lập. Nằm trong lãnh thổ Georgia, hai vùng đất kia sợ bị mất quyền tự trị và năm 1989, tại Abkhazia đã có xung đột võ trang giữa dân Georgia và dân Abkhaz. Khi đó, Liên Xô đưa quân vào can gián và phê phán cả hai để tái lập trật tự. Nhưng khi Georgia đòi có nhiều quyền hạn hơn từ năm 1990 và qua năm 1991 thì tuyên bố độc lập (được công nhận chính thức vào cuối năm) với Liên bang Xô viết, người Nga bèn can thiệp mạnh mẽ hơn, và ủng hộ dân Abkhaz.

Giữa năm 1992, Abkhazia tuyên bố độc lập và các nhóm dân quân của dân Abkhaz tấn công các trụ sở do chính quyền Georgia kiểm soát và giao tranh bùng nổ. Khi ấy, dư luận Tây phương chưa mấy chú ý và loan tin dù Liên bang Nga đã đưa quân từ mạn Bắc Caucasia vào yểm trợ dân Abkhaz và đẩy lui quân Georgia. Khi ấy, người ta mới chỉ theo dõi sự chuyển hóa của Georgia, một vùng đất có các nhân vật Xô viết nổi tiếng như Josef Stalin hay Eduard Schevarnadze, Tổng trưởng Ngoại giao của Gorbachev, về sau là Tổng thống Georgia.

Người ta không đế ý đến việc dân Georgia khuông muốn là người Nga, quốc gia là đất Nga, mà bên trong Georgia, dân Abkhaz lại không muốn làm người Georgia. Và họ được Nga nâng đỡ vì chủ đích riêng. Cũng vì vậy mà Tháng Tám năm 2008, Nga lại can thiệp lần nữa vào Georgia.

Lý do là khi Georgia tuyên bố muốn gia nhập Minh ước NATO. Với Putin thì đấy là mối nguy cho an ninh của Nga, hay ý đồ đen tối của các nước Tây phương. Các nước Tây phương lại chẳng nghĩ như vậy mà cho rằng đấy là trào lưu tất yếu của dân chủ.

Trước hết, Putin can thiệp gián tiếp bằng cách rộng rãi cấp phát thẻ thông hành Nga cho người dân tại Abkhazia và Nam Ossetia. Tức là họ trở thành "công dân Nga". Khi đám công dân mới này kêu gọi Noscow bênh vực vì lực lượng Georgia bắt đầu nã đạn vào các thành lũy đòi độc lập của Nam Ossetia, Putin có lý cớ đưa quân qua đường hầm Rokhi vào đẩy lui quân Georgia để "giải phóng" Nam Ossetia.

Kết thúc việc can thiệp, kể từ đó, Liên bang Nga chính thức công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, lưu giữ quân đội đồn trú tại đây, bất chấp sự phản đối của Georgia và các nước Tây phương. Trong khi ấy, Georgia tiếp tục vận động việc gia nhập Minh ước NATO, cái lý do ban đầu khiến Putin đưa quân can thiệp.

Ngày nay, sau khi đã vào Crimea và đang uy hiếp Ukraine, biết đâu Putin lại chẳng muốn can thiệp vào Georgia? Lãnh đạo xứ này tại thủ đô Tbilisi có thể nghĩ như vậy khi binh lính Nga ở Abkhazia và Nam Ossetia lại vừa mở ra một cuộc thao dượt quân sự và có tin (chưa xác nhận) là Nga lại cấp phát thẻ thông hành Nga, lần này là cho người dân ở tỉnh Samtskhe-Javakhewti, nơi tập trung khá nhiều người gốc Armenia.

Giữa vụ khủng hoảng Ukraine hiện nay, phần bổi cảnh như cuốn phim cũ ở trên về sự can thiệp của Nga vào Lithuania, Moldovia và Georgia từ năm 1989 tới nay, có thể giúp độc giả hiểu ra – và đoán trước – được sự thể. Điều ngạc nhiên là truyền thông Tây phương lại có vẻ ngạc nhiên, là lãnh đạo nhiều nước bị bất ngờ, và Chính quyền Obama thì còn "lượng định tình hình".

 

Hồ Sơ Người-Việt phải trình bày tiếp về cái thế công-thủ của Tây phương.

Tây Phương Duy Ý Chí

 

Một số người bênh vực quan điểm của Vladimir Putin đều nói đến sự cam kết ngầm giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Liên Xô (Tổng thống George H.W. Bush và Chủ tịch Mikhail Gorbachev) trong cơn hấp hối của Liên Xô. Rằng Hoa Kỳ, Âu Châu và Minh ước quân sự NATO sẽ không thừa thắng mà tiến về hướng Đông.

Lá chắn NATO là phương tiện phòng thủ thời Chiến tranh lạnh chống lại đà bành trướng của Liên Xô vào Âu Châu. Nhưng khi Liên Xô tan rã từ năm 1989 và sụp đổ vào năm 1991, lá chắn là tấm khiên có mục tiêu tấn công chứ không phòng thủ, và lăn vào khu vực trước kia thuộc về quỹ đạo hay lãnh thổ Xô viết. Không mấy chú ý tới khía cạnh an ninh, truyền thông Tây phương chỉ đề cao trào lưu dân chủ Đông Âu và những cuộc cách mạng muôn màu tại Georgia, Ukraine, Serbia, thậm chí ở mại tận Trung Á, tại Cộng hoà Kyrgyzsatn....

Với Putin, chuyện dân chủ đó chỉ là âm mưu của Hoa Kỳ và Tây phương, do CIA lặng lẽ tiến hành qua các tổ chức ngụy danh "phi chính phủ" mà thực chất là bình phong tuyên truyền. Ngoài khía cạnh chính trị là phát huy dân chủ để làm suy yếu chế độ độc tài của Putin, trào lưu đó còn là đòn tấn công về an ninh: lãnh thổ của ba nước Baltic hay Georgia mà được NATO bảo vệ thì cũng có nghĩa là võ khí của NATO được thiết trí ngay tại biên giới của Nga.

 

Đấy là phần ấn tượng (perception) hay giải trình (narrative) được báo chí loan tải và độc giả tiếp nhận như chân lý. Thực tế lại khác hẳn – vì vậy mới có "Hồ Sơ Người-Việt".

Thực tế là Âu Châu đã cổ võ cho trào lưu dân chủ ở đầu môi mà không đóng góp gì cho sức mạnh bảo vệ dân chủ, là hệ thống an ninh quốc phòng, hay Minh ước NATO. Chẳng những vậy, Âu Châu còn lạc quan, ngây ngô hay gian ác, gia tăng hợp tác kinh tế với Liên bang Nga.

Mười năm qua, Putin đã tăng quân phí tới gần 80% và ngân sách quốc phòng Nga nay lên tới 4,5% Tổng sản lượng GDP của Nga. Trong khi đó, các nước Âu Châu tiếp tục cắt giảm quân phí và so với tỷ lệ 4,5% của Nga thì Pháp chi gần 2% (nhiều nhất), Đan Mạch 1,4%, Đức 1,3%...

Họ nói chuyện an nhàn và hiếu hòa được là nhờ NATO, với Hoa Kỳ cáng đáng 75% các khoản chi (còn 25% kia là của 27 nước còn lại, trong đó có 26 nước Âu Châu!). Đối diện với việc giảm chi về quốc phòng, kinh tế Âu Châu lệ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga!

Âu Châu thì vậy, Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama cũng hiếu hòa không kém và còn khắng khít hợp tác với Putin cho hồ sơ Syria và Iran. Sau khi tiến hành kế hoạch tài giảm binh bị với Liên bang Nga (New START), Mỹ đã đơn phương tháo gỡ nhiều phương tiện quốc phòng và còn sớm hơn lịch trình cam kết với Nga. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa thông báo điều ấy, hôm Thứ Ba mùng tám vừa qua.

________________
 

Kết luận ở đây là gì?

Những ai chủ trương bảo vệ nhân quyền hay phát huy dân chủ đều được coi là đáng kính trọng, miễn là không nói tới việc dụng binh, hoặc gia tăng phương tiện quốc phòng. Tinh thần lý tưởng và duy ý chí này là một sự cám dỗ lớn cho Putin.

Nhiều khi công lý của nhân loại cần tới sức mạnh. Putin nghĩ là mình có sức mạnh và áp dụng công lý của mình. Các nước Tây phương thì nói đến "quyền lực mềm" hơn là súng đạn. Nạn nhân ở giữa có thể là dân Ukraine - hay nhiều xứ khác....

 

Nguồn: nguoi-viet.com