Quyết tâm của Hội nghị TW3 đảng CSTQ: Không cải cách!

Một ngày trước khi Hội nghị Trung ương 3 kỳ thứ 18 của đảng Cộng sản Trung quốc bắt đầu, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng CSTQ đã gởi một thông tư đến tất cả các cơ quan truyền thông ở Hoa lục với lệnh cấm không được đăng những bài viết phê phán đường lối của Đảng; những bài phủ định thành quả cải cách kinh tế và chính trị mà Đảng đã thực hiện trong nhiều thập niên qua; và những bài thông tin hay bình luận về những mặt tiêu cực xã hội. Thông tư còn nói rõ là trong thời gian họp Hội nghị, nếu có xảy ra những cuộc biểu tình lớn hay những vụ nổ bom như ở tỉnh Sơn Tây vào ngày 6 tháng 11vừa rồi thì phải chờ các bản tin từ cơ quan cấp trên, tức hãng thông tấn Tân Hoa Xã, chứ không được tự viết tin hay bình luận rồi đăng quá nhanh. Cơ quan truyền thông nào vi phạm thông tư này sẽ bị nghiêm phạt.

 

Theo các quan sát viên tình hình chính trị, xã hội Trung quốc thì hiện nay chỉ có một vài cơ quan truyền thông do Ban Tuyên giáo Trung ương nắm rất chặt như Tân Hoa Xã, tờ Nhân Dân, trang mạng Hoàn Cầu Thời Báo hay đài truyền hình Trung ương được chỉ thị rầm rộ quảng cáo về hội nghị Trung ương 3. Còn các báo đài khác, dù đều do một cơ quan nhà nước hay đảng nào đó chủ quản, đều được lệnh án binh bất động, nếu không muốn nói là bị "treo bút". Ngay cả những bài "khen ngợi" đảng cũng không được tự viết vì theo kinh nghiệm quá khứ nhiều câu nói mỉa mai hay dữ kiện mang tính xỏ xiên vẫn thường được khéo léo đưa vào các bài này. Điều đã khá rõ tại Hoa lục là giới lãnh đạo nước này không còn kiểm soát được và cũng không tin tưởng hệ thống báo đài công cụ của họ như trước đây nữa. Các ký giả và chủ bút ngày càng bạo dạn và có lương tâm nghề nghiệp hơn, có trách nhiệm nói thay cho những dân thấp cổ bé miệng vẫn đang bị hiếp đáp hàng ngày. Các cư dân mạng gọi đây là hiện tượng "Âm binh đang vật phù thủy".

 

Bực tức về bức thông tư cấm đụng đến Hội nghị 3 nói trên, đa số báo chí bèn tập trung vào vụ Tổng biên tập tờ báo Tân Khoái mới bị cách chức vì đã dám công khai phản đối công an tỉnh Hồ Nam. Sự việc bắt đầu với việc ký giả Trần Cửu Châu của tờ báo này bị sở Công an thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam nhờ sở Công an thành phố Quảng Châu gởi giấy mời đến làm việc. Nhưng khi ký giả Trần Cửu Châu đến nơi thì đã có một chiếc xe của sở công an thành phố Trường Sa chờ sẵn để bắt ông về tội bịa đặt tin tức nói xấu tập đoàn công nghiệp Zoomlion, tức một lý do không liên hệ gì đến "giấy mời". Theo tường thuật của báo chí, ngay khi được tin này, Tổng biên tập tờ Tân Khoái đã điện thoại thẳng đến sở công an thành phố Trường Sa yêu cầu phải thả ký giả của ông ra. Ông lập luận rằng nếu bài của ký giả Trần Cửu Châu viết về tập đoàn Zoomlion có chỗ nào sai sự thật thì phải chỉ ra để họ đính chính và xin lỗi. Nếu lời xin lỗi vẫn chưa đủ thì thì cứ đưa nhau ra tòa. Công an không thể tùy tiện chỉ mới nghe tập đoàn Zoomlion tố ký giả Trần Cửu Châu là đưa xe đến bắt. Bắt như vậy là vi phạm pháp luật. Ông yêu cầu phải thả người ra ngay. Khi công an bỏ ngoài tai lời yêu cầu này, Tổng biên tập tờ Tân Khoái quyết định đăng lời yêu cầu phải thả ký giả Trần Cửu Châu với các lập luận nêu trên ngay tại trang nhất của tờ báo liên tiếp hai ngày. Đây là lần đầu tiên một tờ báo ở Hoa lục dám chỉ mặt công an vi phạm pháp luật và bắt người tùy tiện. Vài ngày sau, ông bị cách chức.

 

Khi tường thuật chuyện này, chính làng báo lề phải đã không ngừng lại ở chuyện cách chức. Họ cung cấp dữ kiện để người đọc đủ hiểu kẻ đứng đầu tập đoàn công nghiệp Zoomlion cũng là người nằm trong nhóm "Thái Tử Đảng" với liên hệ mật thiết với ông Tập Cận Bình. Từ đó câu hỏi được đặt ra là cấp nào đã ra lệnh cho công an đi bắt ký giả Trần Cửu Châu.

 

Các cư dân mạng còn đi xa hơn nữa về việc này. Có người dám khẳng định gia đình ông Tập Cận Bình có quan hệ "hữu cơ" với tập đoàn kinh tế này. Phản ứng mạnh và gấp rút như vậy không phải là lần đầu. Họ dẫn chứng một sự việc tương tự mới đây. Khi hãng thông tấn Bloomberg của Hoa Kỳ cho đi một phiên phóng sự điều tra về những núi tài sản của gia đình ông Tập Cận Bình đang nằm ở các ngân hàng nước ngoài, lập tức trang mạng của hãng thông tấn này bị tường lửa Hoa lục chận ngay và nhiều ký giả của hãng thông tấn Bloomberg không được cấp visa vào Trung quốc nữa.

 

Trở lại Hội nghị Trung ương 3, nhiều cư dân mạng đang có mặt tại Bắc Kinh cho biết trong thời gian tổ chức hội nghị, ngoài lực lượng an ninh dày đặc, canh gác nghiêm ngặt ở quảng trường Thiên An Môn, nhà cầm quyền còn huy động tất cả học sinh trung học cấp 3 ở Bắc Kinh vào việc canh gác, theo dõi những người đi lại trên đường phố để báo cáo công an. Rất nhiều người đi đường sợ đám học sinh này hơn cả công an. Đám trẻ này nóng lòng muốn lập công, đụng một chút là huýt còi gọi công an lại lục soát cả người lẫn hành lý của người qua lại. Nhiều người sau khi bị lục soát ngay trên đường phố còn bị bắt về đồn công an để chờ bị tra hỏi. Các nạn nhân thường mất ít là nửa ngày trời. Nhiều người sau khi được thả ra khỏi đồn công an đã lên mạng mỉa mai rằng chế độ ông Tập Cận Bình đang thực tập lại màn Cách Mạng Văn Hóa thời Mao Trạch Đông.

Trên thế giới, sự trông đợi các đổi thay đang chuyển dần sang thất vọng. Lý do là vì trước và trong thời gian Hội nghị, Tân Hoa Xã và tờ Nhân Dân đăng mỗi ngày những hứa hẹn thay đổi rất lớn. Ông Du Chính Thanh, nhân vật số 4 trong bộ Chính trị, khẳng định rằng một cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc sẽ diễn ra sau Hội nghị. Còn Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật số 2, cho biết rằng hội nghị lần này sẽ đưa ra một loạt cải cách sâu sắc và toàn diện. Và còn nhiều phát biểu khác của các lãnh tụ ở thượng tầng. Thế nhưng sau khi Hội nghị kết thúc, chỉ có một bản thông báo chung được đưa ra. Văn bản này lập tức bị các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia kinh tế, phê phán là quá chung chung, chẳng có gì mới hay sâu sắc hay toàn diện. Đặc biệt trong tình hình hiện nay mà lãnh đạo đảng CSTQ vẫn phớt lờ các cải tổ về vai trò kinh tế tư nhân và các cải tổ đối với những xí nghiệp quốc doanh đang làm ăn thua lỗ. Đây là những lãnh vực mà vào đầu Hội nghị giới phân tích đã tiên đoán sẽ có nhiều biến chuyển.

Các nhà phân tích khác cũng cho rằng vấn đề quyền sở hữu đất đai, chế độ hộ khẩu mới là những nguyên nhân lớn dẫn tới hàng hà sa số những vụ khiếu kiện và bạo động tại Trung quốc nhưng kỳ lạ là lãnh đạo lại chỉ xét đến và nới bớt luật về qui chế "mỗi gia đình một con".

 

Về việc cải tổ hệ thống quân đội, báo chí phát hành ở Hồng Kông nhận định rằng việc chia lại các quân khu và thiết lập thêm Bộ Tư lệnh Lục quân chẳng thêm gì đáng kể cho mục tiêu "gia tăng hiệu năng chiến đấu khi có chiến tranh" mà Hội nghị đề ra. Vẫn theo báo chí Hồng Kông, các cải tổ này cũng bị cánh quân nhân phản đối ngay vì họ vẫn chưa chấp nhận một người như ông Tập Cận Bình nắm trọn quyền chỉ huy quân đội.

 

Một câu đang được lưu truyền trên mạng Internet Trung quốc để gói trọn đặc tính của Hội nghị này: Đường lối cải cách của Hội nghị Trung ương đảng kỳ 3 là KHÔNG THAY ĐỔI GÌ CẢ.